Khi đã trải qua nửa cuộc đời, chúng ta sẽ hiểu rằng, một nửa còn lại chỉ cần có một chiếc giường trong một căn phòng mà thôi.
Quá nhiều tài sản cũng sẽ trở thành đồ thừa thãi. Quá nhiều tiền tài sẽ trở thành vật ngoài thân. Quá nhiều vương vấn sẽ trở thành sương khói tiêu tan. Quá nhiều kiên trì rồi cũng đến lúc buông bỏ.
Khi còn trẻ, có ai trong chúng ta không nghĩ đến khao khát kiếm càng nhiều tiền càng tốt, làm việc càng chăm chỉ càng tốt, theo đuổi càng nhiều lợi ích càng tốt.
Nhưng đến khi đã già, chúng ta sẽ dần phát hiện ra rằng những giá trị đắt đỏ cũng dần trở nên vô nghĩa, những niềm vui vật chất lại trở về bình thường, dù có được hay mất đều không thể đem tới quá nhiều hụt hẫng, mừng vui, chỉ như một chuyện vô thưởng vô phạt, tuân theo đạo lý có được ắt có mất của cuộc sống.
Từ 25 tuổi, chúng ta sống vì tuổi trẻ, vì sự nghiệp, tình yêu, gia đình, con cái. Nhưng đến 52 tuổi, chúng ta chỉ cần sống vì bản thân.
Tạm buông bỏ những gánh nặng và áp lực để cuộc sống trở nên thanh thản, nhẹ nhàng hơn, chúng ta mới có thể tận hưởng được những giá trị tinh thần cốt lõi hơn.
Năm 25 tuổi, chúng ta trang hoàng cả ngôi nhà bằng vô vàn tài sản, đồ đạc, nơi đây bày đồ trang trí, nơi kia treo đồ phong thủy, phòng thì thiết kế phong cách hiện đại, phòng thì áp dụng phong cách cổ xưa truyền thống, vừa phải có trang thiết bị công nghệ phục vụ sinh hoạt, vừa phải có một vài đồ quý giá, giá trị để bày biện.
Năm 52 tuổi, chúng ta chỉ cần một căn phòng che gió che mưa, một ngăn tủ chứa đựng vật dụng cuộc sống và kỷ vật, một gian bếp nhỏ phục vụ nhu cầu ăn uống và quan trọng nhất là một chiếc giường để thoải mái nghỉ ngơi mà thôi.
Nhu cầu đơn giản ấy vốn không có chỗ cho gia tài bạc tỷ phát huy sức mạnh của nó.
Tài sản của cải dồi dào đến mấy rồi cũng sẽ trở nên thừa thãi. Khi mắt đã mờ, ti vi đắt tiền cũng vô dụng. Khi tai đã kém, điện thoại hay loa đài cũng vô dụng. Khi cơ thể đã yếu ớt, nhà lầu xe sang lại càng vô dụng hơn.
Và chúng ta chỉ như một du khách đến thế giới này với hai bàn tay trắng thì cũng ra đi với hai bàn tay không.
Lúc đó, chúng ta sẽ hiểu ra vì sao tỷ phú Bill Gates sẵn lòng đem hầu hết gia tài hàng chục tỷ đô của mình quyên tặng các tổ chức từ thiện mà không hề đau xót.
Thay vì ôm lấy dục vọng vật chất mà mình không thể mãi níu giữ, đánh đổi lấy giá trị thỏa mãn tinh thần mới là hành động sáng suốt và khôn ngoan.
Khi già đi, chúng ta học cách buông bỏ, dừng lại hết thảy những khao khát và theo đuổi trước kia, cả về vật chất và tinh thần.
Khi chúng ta quá bận tâm, đặt nặng một vấn đề thì những suy nghĩ trong đầu sẽ cứ loanh quanh luẩn quẩn, chẳng khác nào đang bị một sợi dây vô hình trói buộc và không thể nào thoát ra ngoài phạm vi của nó được.
Do vậy, chúng ta không còn có thể thấy được điều gì mới mẻ, rộng mở và tốt đẹp hơn, bị giới hạn, o ép chính tầm nhìn của mình trong một góc chụp nhỏ hẹp của chiếc ống kính máy ảnh.
Có một câu nói rất hay của Abraham Joshua Heschel: "Ngày xưa còn trẻ, tôi thường khâm phục những người thông minh; giờ khi tôi lớn khôn hơn, tôi ngưỡng mộ những người tử tế."
Chỉ khi thoát khỏi chu trình của ám ảnh, khao khát, đau khổ, chúng ta mới không bỏ qua vẻ đẹp của cuộc sống diệu kỳ.
Khi chúng ta tập trung vào hiện tại, buông bỏ những nhọc nhằn, vất vả, đau đớn về cả thân xác và tâm hồn trong quá khứ, chúng ta sẽ tìm thấy sự an bình đi sâu vào đời.
Hãy nhớ rằng, khi bạn từ một con kiến trở thành một con voi, thì tảng đá to lớn đã từng chặn đường khiến cho bạn không thể vượt qua nổi ấy, hóa ra chỉ là một hạt cát bé nhỏ nằm dưới gót chân bạn mà thôi.
Khi đã bước qua ngưỡng cửa trẻ trung nhiệt huyết, hãy đủ bình tĩnh và trí tuệ để nhận ra giá trị quan trọng nhất của đời mình, không lạc đường trong sự phù phiếm từ vật chất.