Chỉ mới hôm qua thôi, cộng đồng khoa học thế giới vẫn còn đang hào hứng trước thông tin hạt giống cây bông trên tàu Hằng Nga 4 của người Trung Quốc ở Mặt trăng đã nảy mầm . Đó có thể coi là một sự kiện lịch sử, vì là lần đầu tiên nhân loại có thể trồng được cây trên vệ tinh tỉ năm tuổi của Trái đất.
Vậy mà nay tin buồn lại ập đến. Rất tiếc khi phải thông báo cho các bạn biết rằng mầm cây vĩ đại kia... yên nghỉ rồi.
Mầm cây này sẽ không có cơ hội sinh tồn lâu hơn
Theo như thông báo từ ĐH Trùng Khánh, tàu Hằng Nga 4 đã chuyển sang chế độ ngủ từ ngày 13/1 để chuẩn bị cho "đêm trên Mặt trăng" sắp tới. Dành cho những ai chưa biết, Mặt trăng cũng có ngày và đêm, nhưng vì tốc độ quay của nó rất chậm nên một ngày sẽ tương đương 29,5 ngày theo giờ Trái đất, nên một đêm sẽ dài 13,5 ngày.
Vấn đề là trong khoảng thời gian này, nhiệt độ Mặt trăng có thể tụt xuống mức -180°C, do vệ tinh này không có khí quyển nên không thể giữ lại nhiệt từ Mặt trời. Và thật không may, nhiệt độ lạnh trong thời gian dài như vậy là quá sức chịu đựng đối với mầm cây mới nhú kia.
ezgif-3-de5926a29ef9-15476093392521407055013-15477024125321210396332.gif
Tuy nhiên, đây là những gì đã được dự đoán từ trước. "Sự sống bên trong tàu sẽ khó lòng tồn tại trong đêm Mặt trăng," - giáo sư Xie Gengxin từ ĐH Trùng Khánh cho biết.
Được biết, mầm cây bông được trồng trong một hộp kín dạng lưới đặt trên tàu, cùng với một số hạt giống khác: khoai tây, hạt cải, nấm men... và các nhiên liệu thiết yếu khác như không khí, đất và nước.
Camera đặt trong tàu đã ghi lại được cảnh hạt bông nảy mầm và phát triển, nhưng các hạt giống khác thì không. Và có lẽ, chúng sẽ không có cơ hội để nảy mầm nữa khi màn đêm trên Mặt trăng đã ập xuống.
Dù vậy, mục đích của thí nghiệm chỉ là tìm hiểu xem cây cối có khả năng phát triển và chịu ảnh hưởng thế nào từ môi trường "vi trọng lực, có bức xạ mạnh và ánh sáng "lạ" từ bề mặt của Mặt trăng."
Nếu xét theo tiêu chí như vậy thì mầm cây bông kia đã hoàn thành nhiệm vụ rồi. An nghỉ nhé, bé "bông Mặt trăng".
Nguồn: CNN, IFL Science