Tuyệt đối không chủ quan
Giảm dần giãn cách xã hội là cần thiết, song các chuyên gia đều cảnh báo nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn lớn, người dân không được phép chủ quan.
Dịch có thể bùng phát bất kỳ khi nào, như bài học nhãn tiền mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần bày tỏ lo ngại: “Những ngày cuối tháng 3, Singapore là mẫu hình về chống dịch Covid-19, song bước sang những tuần đầu tháng 4, do để lọt các F0 mà giờ đây quốc gia này cùng với Indonesia là hai tâm dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ở Hà Nội, sau thời gian cách ly, không ít người đã thể hiện tâm lý chủ quan, bắt đầu tụ tập đông người tại các điểm công cộng, nhà hàng, quán xá mà không áp dụng giãn cách và đeo khẩu trang”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cảnh báo, đây chưa phải là thời điểm có thể khẳng định Việt Nam đã an toàn trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
Nếu người dân chủ quan thì các giải pháp chống dịch bị vô hiệu hóa, mọi công sức phòng, chống dịch vừa qua coi như đổ sông, đổ bể. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, nếu lơ là phòng dịch, các ca bệnh trong cộng đồng có thể xuất hiện. Thực tế chống dịch thời gian qua của Việt Nam đã chứng minh, một ca lây trong cộng đồng nguy hiểm hơn các ca trong khu cách ly rất nhiều lần.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua, nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Thận Hà Nội, Việt Pháp đã phải tiến hành cách ly sau khi có ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tới khám và điều trị. Bởi vậy, để kiểm soát dịch Covid-19, các cơ sở y tế cũng không được phép chủ quan.
Bảo đảm nguyên tắc phòng dịch
Để “chung sống” an toàn với dịch Covid-19, toàn dân cần tiếp tục thực hiện triệt để quy tắc “5 an toàn” của Bộ Y tế là hạn chế đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết; nếu buộc phải ra ngoài thì phải thực hiện đeo khẩu trang; duy trì khoảng cách 2m khi giao tiếp...
Đó là nguyên tắc chung áp dụng cho mọi người, còn tùy từng lĩnh vực hoạt động lại có những yêu cầu riêng. Như các cơ quan hành chính sự nghiệp, công sở... cần có bộ phận đo thân nhiệt, nếu nhiều người cùng tới một lúc thì cần xếp hàng cách nhau 2m; yêu cầu khai báo y tế nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe; rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, họp hành.
Các đơn vị này cũng nên hạn chế tối đa việc họp trực tiếp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi công việc, nếu có họp thì bảo đảm cho mọi người giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Sống chung với dịch Covid-19, các giao dịch trực tiếp giảm, nên cần có giải pháp khuyến khích các hình thức giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...
Tại các trường học, theo quy định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh trước khi vào trường cần được đo thân nhiệt, bảo đảm không sốt; trường học phải có đủ nơi rửa tay, nước khử khuẩn; học sinh phải đeo khẩu trang (có thể dùng khẩu trang vải kháng khuẩn).
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường không tổ chức hoạt động trải nghiệm tập thể, bảo đảm giãn cách xã hội, học sinh phải giữ khoảng cách ngồi 1,5 m. Nếu lớp học quá đông, nhà trường có biện pháp tách lớp, bảo đảm một phòng học không quá 20 học sinh.
Tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp..., việc bảo đảm an toàn cho công nhân cần được đặc biệt quan tâm. PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, ngoài các biện pháp thông thường như kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, các doanh nghiệp cần bảo đảm an toàn tại các bếp ăn tập thể; cần yêu cầu người lao động giữ khoảng cách tiếp xúc, nếu số lượng công nhân quá đông thì chia thời gian ăn khác nhau, tránh tập trung quá đông người cùng thời điểm.
Đặc biệt, với người cao tuổi - đối tượng dễ bị tổn thương do Covid-19, Tiến sĩ Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, khuyến cáo, sống chung với dịch, người cao tuổi nên tránh những chỗ đông người, ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng, vừa sức.
“Người cao tuổi khi có các bệnh mạn tính sẽ dễ bị lây nhiễm hơn; do đó, nên lưu ý điều trị tốt bệnh lý đang có. Khi cơ thể có bất kỳ sự thay đổi nào thì phải báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ quan y tế khám càng sớm càng tốt” - Tiến sĩ Nghiêm Nguyệt Thu đưa ra lời khuyên.