Chung cư mini nên cái gì cũng mini
Nhiều năm qua, ở Hà Nội, rất nhiều chung cư mini được xây dựng và liên tục bán hết. Số lượng cư dân đang sống ở các khu chung cư mini ước tính lên đến hàng vạn người.
Đặc điểm của chung cư mini là xây trong ngõ nhỏ, mật độ dân cư cao. Xe của cư dân để ở tầng 1 vì không có tầng hầm để xe riêng. Nhiều chung cư mini chỉ có 1 thang máy cùng 1 cầu thang lên xuống duy nhất. Với mật độ dân số cao trong khi nhiều chung cư dạng này công tác phòng cháy chữa cháy khá sơ sài, thậm chí có nhiều vi phạm. Vì vậy, nguy cơ hỏa hoạn rất lớn và đặc biệt nguy hiểm nếu cháy nổ xuất phát từ tầng 1.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau đêm xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, các chủ chung cư mini đã rà soát và tăng cường công tác phòng chống cháy nổ. Nhiều chung cư yêu cầu các hộ dân không được để xe máy tràn lan chặn lối cầu thang, cấm sạc xe máy điện, xe đạp điện ở khu để xe... "Có ở mới biết tính chất của các chung cư mini này như thế nào. Chuyện để xe là thường xảy ra tranh cãi nhất. Nhiều khi cãi nhau cả 1 đêm chỉ vì chuyện để xe. Mà chung cư nơi tôi ở, chuyện để xe này đã tranh cãi cả năm rồi", anh Phạm Thành - một người đang sống tại một chung cư mini thuộc quận Thanh Xuân nói.
Thông báo không để xe máy để phòng chống cháy nổ
Tranh luận, tranh cãi về việc để xe tại một chung cư mini.
Theo anh Thành, vì là chung cư mini nên cả ban quản trị lẫn bảo vệ chung cư cũng là "mini" luôn. Lý do, chung cư mini là cứ gọi như vậy còn thực ra là chưa đạt chuẩn của chung cư. chính vì vậy nên cũng không có một ban quản trị đạt chuẩn. Ví dụ như chung cư nơi anh Thành ở, cư dân có bầu ra một "ban quản trị" với 3 người, thì chỉ 1 bác hưu trí là nhiệt tình với công việc chung, cùng với đó là 1 bác bảo vệ già ở tại 1 góc phòng nhỏ ở tầng 1. Khu chung cư mini 7 tầng nhà với gần 50 hộ dân, mỗi hộ trung bình 2 xe máy, đều dồn hết vào khu để xe. Các nhà dân gần đó không ai nhận trông xe qua đêm. Khi chỗ để hạn hẹp, cư dân phải để xe chắn các lối ra vào, thoát hiểm. Khi bị nhắc nhở, một cư dân phản ứng: "Thế không để đây thì biết để chỗ nào, mang lên trên nhà để à, làm sao mà mang được. Đi hỏi chỗ gửi xe đêm quanh đây có ai nhận đâu, giờ các ông bảo chúng tôi phải làm thế nào?".
Anh Thành cho biết: "Khi mới về ở, cư dân đã bảo nhau rằng, đây là khu của người ít tiền, tiện ích sống không bằng chung cư cao cấp được, nhưng văn hóa sống thì hoàn toàn có thể tốt nếu cộng đồng dân cư đồng lòng cùng nhau. Ứ kiến thì hay, nhưng đến lúc thực hiện mới nảy sinh nhiều chuyện. Sống trong chung cư mini thì ai cũng có một ước mơ là... rời đi đến chỗ tốt hơn. Nhà chuyển đến, nhà chuyển đi, những căn chủ mua không ở mà cho thuê thì người thuê nhà ra vào liên tục, xáo trộn nên ý thức cho những gì là của chung rất kém".
Trang bị phòng cháy chữa cháy tại 1 khu chung cư mini ở quận Đống Đa. Tuy nhiên, cư dân cho biết vẫn chưa thực sự yên tâm bởi thiếu phương án thoát hiểm nếu xảy ra cháy nổ
Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, chị Mai Phương - người đã mua căn hộ thuộc chung cư mini với giá 700 triệu ở quận Đống Đa mà theo lời chị là "cái tổ chim nhỏ đủ cho 3 mẹ con chui ra chui vào" lo lắng đến mất ngủ cả đêm. Chị Phương cho biết, do chung cư mini mình mua xây dựng sau nên công tác phòng cháy chữa cháy có tốt hơn. Có bình chữa cháy trang bị dưới khu để xe chung và có ở từng tầng nhà. Trong căn hộ của chị Phương cũng có chuông báo cháy. Tuy nhiên, cầu thang thoát hiểm tòa nhà không có.
"Sau hôm cháy chung cư mini ở Khương Hạ, tôi phải đi tìm mua luôn mặt nạ chống khói, thang dây thoát hiểm. Khu nhà tôi bàn nhau bây giờ có muốn làm thêm cầu thang thoát hiểm bên ngoài cũng không thể làm được, vì tòa nhà kín 3 mặt, chỉ có mặt ngoài. Ở chung cư mini là vậy đấy, tiện được đi học cho con cái, có được cái nhà của mình với mức tiền nhỏ thì giờ vừa ở, vừa run", chị Phương nói.
Thiếu lối thoát hiểm là nỗi lo thường trực của những người sống trong các chung cư mini.
Sổ hồng cho căn hộ chung cư mini chưa có, rủi ro pháp lý cao
Theo qui định của luật nhà ở 2014, nhà chung cư mini đã có sổ hồng. Tuy nhiên, PV PNVN đã tiến hành khảo sát khách hàng mua căn hộ tại 4 khu chung cư khác nhau được xây qua nhiều giai đoạn thì câu trả lời chung đều là: chưa có sổ hồng riêng. Các khách hàng, chủ hộ cho biết theo luật thì được cấp sổ hồng, nhưng phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn qui định của luật, mà chung cư mini nhà mình có đủ chuẩn hay không thì... "tôi cũng không rõ" là câu trả lời chung của các cư dân.
Khoản 2 Điều 46 Luật nhà ở 2014 quy định tiêu chuẩn và chất lượng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân như sau:
Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.
Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Một khu chung cư mini được xây tại một con ngõ nằm tại phố Yên Hòa (Cầu Giấy) bao gồm 6 tầng, mỗi tầng 4 căn hộ, mỗi căn hộ có diện tích 32m vuông. Chủ đầu tư chung cư này làm cầu thang bộ khá rộng, nhưng tòa nhà lại không có thang máy. Khu nhà không có khu để xe riêng, có 2 nhà mua tại tầng 1 làm dịch vụ trông xe và số lượng xe được trông giữ rất hạn chế. Anh Hải Đăng - người từng mua 1 căn hộ ở đây - cho biết: Khu này xây đã lâu, không có sổ đỏ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên chủ đầu tư, chủ đầu tư kí một hợp đồng cam kết đồng sở hữu với các chủ hộ, sau đó mang sổ đỏ ra gửi tại 1 ngân hàng, dùng dịch vụ lưu giữ tài sản của ngân hàng. Hợp đồng cam kết này để tránh trường hợp chủ đầu tư mang sổ đỏ đi cắm hoặc làm gì đó khác.
Luật qui định có thể có sổ hồng, nhưng nhiều chủ hộ tại các chung cư mini cho biết chưa có sổ hồng riêng cho căn hộ chung cư mini của mình
Cả với hình thức chủ đầu tư đứng tên rồi kí cam kết hoặc các chủ hộ cùng đứng tên trên 1 sổ đỏ chung đều không đảm bảo về mặt pháp lý. Cũng chính vì chưa có sổ hồng cho từng căn hộ ở chung cư mini, người sở hữu căn hộ không vay được ngân hàng khi mua căn hộ kiểu này, không thể thế chấp tài sản (cụ thể là căn hộ của mình) khi có nhu cầu vay ngân hàng. Các khu chung cư mini khi được mua đi bán lại, căn hộ đổi chủ khác cũng phát sinh thêm vấn đề cho việc đồng sở hữu trên sổ chung.
"Khi mua, chủ đầu tư có cam kết cứ yên tâm, sẽ có sổ hồng, một khu khác của chủ đầu tư làm được sổ hồng rồi. Thế nhưng thực tế thì tôi vẫn chưa cầm được cái sổ ấy trong tay", chị Mai Phương cho biết.