Nhiều mặt bằng đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) - con đường được mệnh danh là đường “5 sao” với giá thuê đắt nhất tại TP.HCM, chuyên kinh doanh sản phẩm lưu niệm, thời trang, dịch vụ ăn uống, đã đóng cửa nghỉ Tết nhưng sau đó đã không mở lại.
So với thời điểm năm ngoái, làn sóng trả mặt bằng tại “đất vàng” Đồng Khởi đang trầm trọng hơn. Ghi nhận cho thấy, ngoại trừ khách sạn, nhà hàng lớn có thương hiệu còn trụ lại, hơn một nửa số lượng cửa hàng nhỏ đều đã ngừng kinh doanh, trả mặt bằng.
Ngay đầu đường Đồng Khởi, đoạn giao với đường Lý Tự Trọng, 4-5 cửa hàng sản phẩm lưu niệm, sản phẩm nghệ thuật đã đóng cửa. Chủ một mặt bằng tại đây cho hay, các mặt bằng này đã đóng trước Tết, có một số nơi đóng cửa nghỉ Tết nhưng sau đó chưa thấy mở lại. “Chắc đóng cửa luôn rồi, chứ hàng lưu niệm, nghệ thuật chỉ bán được cho khách du lịch thôi”, ông nói.
Đóng cửa sau Tết, nhiều cửa hàng đến thời điểm này mới bắt đầu dọn hết hàng hóa, một số giải thể, phá sản hoặc chuyển sang kinh doanh ở vị trí khác với mức tiền thuê hàng tháng ít hơn.
Vừa qua khỏi công viên Lam Sơn, Nhà hát TP.HCM là hàng loạt mặt bằng đã đóng.
Nhiều dãy gồm 5-6 căn liền kề đều ngưng kinh doanh.
Các mặt bằng nhỏ tại Đồng Khởi có giá cho thuê lên đến cả 10.000 USD. Các mặt bằng lớn hơn, vị trí đẹp như góc đường có giá thuê gấp 3-4 lần.
Trên cửa các mặt bằng đã đóng, chi chít thông tin cho thuê, chục số đều khác nhau nhưng số nào cũng quảng cáo là chính chủ.
Chủ mặt bằng này tỏ vẻ bức xúc do ông chưa có ý định cho thuê nhưng trên cửa chi chít số điện thoại liên lạc của cò mồi. Ông đã xóa hết các số điện thoại trên cửa và nhờ bảo vệ một cửa hàng kế bên trông chừng giúp.
Giá mặt bằng cho thuê tại đường Đồng Khởi luôn cao, các cò mồi, môi giới thường làm trung gian giúp chủ tìm người thuê. Vì vậy, giá cho thuê từ các cò mồi này cũng cao hơn từ 5-10% so với giá thuê gốc, để hưởng chênh lệch.
Đường Đồng Khởi từ trước đến nay luôn là con đường sầm uất chuyên về hoạt động du lịch, dịch vụ, mua sắm tại TP.HCM nhưng sau Tết đều trong cảnh vắng vẻ thế này, kể cả ngày cuối tuần. Hầu hết các cửa hàng đều phục vụ khách du lịch quốc tế, mất khách ngoại, các cửa hàng điêu đứng, phải đóng cửa, trả mặt bằng nhiều hơn vì không cầm cự nổi.