National Geographic là một tạp chí của Hiệp hội địa lý Quốc gia hay Hội Địa dư Quốc gia Mỹ. Tạp chí này đã trở thành một trong những tạp chí nổi tiếng và uy tín trên thế giới.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên khắp hành tinh về những ảnh hưởng của việc trái đất nóng lên, các nhiếp ảnh gia của National Geographic đã thực hiện một bộ ảnh lột tả tình trạng hết sức đáng lo ngại về môi trường sống của con người hiện nay.
Những điều tưởng chừng xa xôi chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng như sông băng dần biến mất, tình trạng sa mạc hoá, hiệu ứng nhà kính... nay lại hiển hiện trước mắt sẽ khiến cho nhiều người phải giật mình hoảng hốt về Mẹ trái đất của chúng ta.
Nhắc đến Alaska, chẳng ai là không nghĩ ngay đến những dòng sông băng trải dài bất tận, ẩn giấu một vẻ đẹp kỳ ảo, lôi cuốn khó lòng cưỡng nổi. Ấy thế nhưng, tình trạng nóng lên của trái đất lại đang góp phần làm cho những dòng sông băng này dần thu hẹp và thậm chí là biến mất.
Tình trạng không có băng, cũng chẳng có tuyết ở quần đảo Alexander (tên tiếng Anh: Alexander Archipelago) khiến cho người dân địa phương vô cùng lo lắng. Họ chia sẻ với các nhiếp ảnh gia rằng tháng 10 vừa qua nhiệt độ tại đây bỗng trở nên nóng một cách bất thường. Trong ảnh là một chú gấu Bắc cực cô đơn đang cố gắng tìm cho mình một mảnh đất mới để có thể sinh tồn.
Ảnh chụp một vùng đất rộng lớn ở phía Tây Bangladesh, nơi đang bị thiếu nước trầm trọng bởi tình trạng hạn hán kéo dài. Người dân ở đây từ lâu đã chẳng thể canh tác hay nuôi trồng bất cứ thứ gì. Họ buộc phải đến những nơi xa xôi để lấy nước, bởi ao, hồ đã bị khô cạn từ lâu, chỉ để lộ ra những mảng đất khô cằn, nứt nẻ.
Hình ảnh cụ bà đang rẽ rác tìm lối đi tại một bãi rác chất cao như núi ở Calabria, miền Nam nước Ý. Số lượng rác thải khổng lồ đã góp phần thúc đẩy sự gia tăng của khí mêtan, dẫn đến sự biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính.
Một người phụ nữ ở huyện Jamalpur, Bangladesh đang ra sức chèo thuyền vượt qua dòng nước lũ. Nơi đây đã phải hứng chịu rất nhiều cơn thịnh nộ của thiên nhiên, từ lũ lụt, hạn hán, cho tới mưa bão, lở đất... Cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, các thảm hoạ trong tương lai được dự báo sẽ ngày càng gia tăng với mật độ và cường độ khủng khiếp hơn.
Qua khám nghiệm bộ răng của một chú gấu Bắc cực chết tức tưởi bên bờ biển ở quần đảo Svalbard, có thể phán đoán con vật đáng thương này chết vì bị đói. Tình trạng khan hiếm lương thực tại đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng động vật chết hàng loạt.
Ảnh chụp một đám cháy tại phía Đông vịnh San Francisco vào năm 2013. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài nhiều ngày đã khiến nơi này trở thành một "chảo lửa" có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Theo ghi nhận, mỗi năm tại đây xảy ra hàng trăm vụ cháy rừng.
Bởi tình trạng nước biển dâng cao, rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ trên vịnh Bengal đều đang phải đối mặt với nguy cơ có thể biến mất bất cứ lúc nào. Nhà cửa, ruộng vườn của người dân nơi đây đang dần chìm sâu xuống đáy biển. Việc biến đổi khí hậu đã đẩy họ vào một tương lai tăm tối và có khả năng trở thành dân tị nạn không chốn dung thân.
Diện tích bên trong những hang động trong băng đang ngày càng mở rộng, điều đó đồng nghĩa với việc băng tan ngày một nhiều. Ước tính, các đảo băng trên thế giới đã bị thu hẹp tới 12% trong vòng chưa tới 15 năm.
Ảnh chụp một ngôi làng nổi trên Biển Hồ Campuchia. Nơi đây đang phải hứng chịu kiểu thời tiết oái oăm mưa ngày càng ít còn khí hậu thì không ngừng nóng lên, gây ra những mối nguy hại khôn lường cho cuộc sống của người dân.
Một công nhân đang tiến hành các thao tác vận chuyển gỗ ở khu vực Zagros, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ghi nhận, 30% cây cối nơi đây đã bị con người tàn phá không thương tiếc.
Người dân ở Kulusuk, phía Đông Greenland trước nay sống chủ yếu bằng việc săn bắt. Tuy nhiên, năm nay băng tan quá nhanh khiến cho việc săn bắt truyền thống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí vào mùa hè, khi băng tan chảy với tốc độ kinh hoàng, họ còn chẳng kịp trở tay mua thuyền để ra biển đánh bắt cá.
Tình trạng hạn hán cực kỳ nghiêm trọng tại Israel đã khiến cho nước trở thành một thứ vô cùng xa xỉ. Nhiều chủ hồ cá buộc phải thả hết vật nuôi của mình bởi không thể kiếm đâu ra nguồn nước cung cấp cho chúng. Và đây chính là những gì còn sót lại trong những hồ cá của người dân.
Thay đổi khí hậu khiến cho nguồn thức ăn của động vật cũng trở nên cực kỳ khan hiếm. Trong ảnh là những con khỉ đầu chó và lợn rừng châu Phi - loài vật thường rất hiếm khi ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm - đang tranh giành những quả cam thối, thứ lương thực hiếm hoi mà chúng tìm được vào lúc đêm khuya thanh vắng.
Ảnh chụp một cây cổ thụ 30 năm tuổi ở Patagonia, Argentina khiến nhiều người phải giật mình. Ước tính từ năm 1990 đến năm 2015, khoảng 10% diện tích rừng nguyên sinh trên thế giới đã bị con người phá huỷ. Từ năm 2000 đến năm 2012, hơn 2,3 triệu km2 rừng đã bị chặt phá. 16 triệu km2 rừng nay rút xuống chỉ còn khoảng 6,2 triệu km2.