Chuẩn bị bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng: Băn khoăn tiêu chí mức sống tối thiểu

Phan Hoạt |

Dự kiến tháng 5 hoặc tháng 6 tới đây, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tổ chức các Phiên đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu năm 2020. Hiện Bộ LĐ- TBXH đang tiến hành khảo sát các doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành tại các vùng kinh tế trọng điểm để đánh giá chính sách tiền tương và đưa ra các kiến nghị về mức lương tối thiểu vùng 2020.

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2019 Tăng lương tối thiểu lên 1,49 triệu đồng từ 1-7-2019 Tăng cao nhất 200.000đ cho mức lương tối thiểu vùng năm 2019

Tuy vậy, câu chuyện liệu năm 2020 mức lương tối thiểu có đáp ứng được mức sống tối thiểu hay không vẫn rất khó đánh giá có đạt được hay không ở các phiên đàm phán sắp tới bởi hiện tiêu chí đánh giá mức sống tối thiểu vẫn chưa thống nhất giữa các bên.

Đời sống công nhân còn nhiều khó khăn

Thực tế về cuộc sống khó khăn của công nhân, người lao động đã được nói đến rất nhiều. Thế nhưng một khảo sát mới đây của Viện Công nhân và Công đoàn đã phản ánh rõ nét nhất cuộc sống bấp bênh của đa số công nhân, người lao động hiện nay. Đặc biệt trong một số ngành thâm dụng lao động rất lớn hiện nay như ngành dệt may.

Theo khảo sát mới nhất này của Viện Công nhân và Công đoàn thì có đến 99% người lao động trong ngành dệt may ở Việt Nam có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Sàn lương châu Á và 74% có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu.

Chuẩn bị bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng: Băn khoăn tiêu chí mức sống tối thiểu - Ảnh 1.

Đa số công nhân làm trong ngành dệt may hiện phải tằn tiện mới đủ sống.

Theo bà Kim Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) thì người lao động trong ngành may có cuộc sống rất bấp bênh, những nhu cầu cơ bản của người lao động như ăn uống có dinh dưỡng, đảm bảo về sức khỏe, được ở gần gia đình, có tiền mua thuốc khi ốm đau..., cũng là những thứ xa vời.

Người lao động chỉ còn cách là giảm chi tiêu tới mức tối đa và làm tăng ca khiến sức khỏe giảm sút.Nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, đa số người lao động phải tằn tiện mới đủ sống. 1/3 số công nhân không tiết kiệm được tiền, luôn trong tình trạng vay nợ.

69% công nhân được khảo sát cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 96% công nhân cho biết không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng.

6% công nhân cho biết, cuối thàng chỉ ăn cơm chan canh suông. 53% công nhân cho rằng không đủ tiền để trang trải những chi phí khám chữa bệnh, chi trả thuốc men.

“Lương thấp dẫn tới sự phụ thuộc vào làm thêm giờ và thưởng, phụ cấp mà những cơ chế có thể dẫn tới các hệ lụy khác như giảm năng suất, tỷ lệ tai nạn lao động, phân biệt đối xử, bạo lực, quấy rối và cả những hệ lụy về mối quan hệ gia đình, giáo dục con cái, chăm sóc sức khỏe lâu dài”, bà Hà chia sẻ.

Theo bà Hà, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là một yếu tố quan trọng, tiên quyết trong việc các bên xây dựng mức lương tối thiểu hàng năm.

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì ngành dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, người lao động trong ngành dệt may có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh, không đủ đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản.

Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đình công trong ngành dệt may cao nhất cả nước. Năm 2018, có tới 84 cuộc đình công trong ngành dệt may, chiếm tỷ lệ 39,25%.

Chưa đồng nhất mức sống tối thiểu

Đời sống người lao động bấp bênh, thế nhưng mỗi năm khi họp bàn tăng lương tối thiểu vùng, đại diện các bên luôn kỳ kèo, nâng lên đặt xuống.

Một trong những nguyên nhân trên chính là việc đại diện cho người lao động, đại diện cho phía doanh nghiệp hay bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đều đưa ra những con số không đồng nhất để tính mức sống tối thiểu của người lao động.

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã từng phàn nàn về những bất cập này tại các kỳ họp bàn tăng lương tối thiểu vùng 2019 như sự chưa đồng thuận của các bên ở chỗ, giá cả thị trường tăng theo năm nhưng việc xây dựng “rổ hàng hoá” với định lượng 54 mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống lại giảm đi.

Cụ thể, nếu như năm 2016, bộ phận kỹ thuật tính mức giá của "rổ hàng hoá" là 660.000 đồng. Nhưng trước đó, cùng các tiêu chí và định lượng như vậy nhưng "rổ hàng hoá" của năm 2014 lại là 720.000 đồng.

Cũng tại các kỳ họp bàn tăng lương tối thiểu vùng 2019, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia tính chi phí lương thực chiếm 48% còn lại là chi phí phi lương thực, năng lượng và giáo dục là 52%.

Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng chi phí về lương thực quá cao. Vì đời sống đang càng lên cao, nhu cầu phi lương thực ngày càng lớn chứ không thể dừng ở mức 52%.

Trao đổi với PV, ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là một yếu tố rất quan trọng để xác định mức lương tối thiểu của năm.

Bởi theo quy định của Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu phải căn cứ vào đời sống tối thiểu của người lao động, điều kiện kinh tế xã hội và giá trị sức lao động trên thị trường lao động. Tuy nhiên, do không có một công thức tính chung cho nên hàng năm mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về nhu cầu sống tối thiểu khác nhau.

Đây cũng là khó khăn chung cho Hội đồng Tiền lương trong quá trình đàm phán thương lượng mức lương tối thiểu hàng năm.

“Theo Điều 91 của Bộ luật Lao động, để xác định tiền lương tối thiểu thì cần căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đây cũng chính là mức sống tối thiểu.

Như vậy, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu sẽ được xác định bằng các tiêu chí như: Nhu cầu lương thực thực phẩm; nhu cầu phi lương thực thực phẩm; nhu cầu nuôi con.

Cách tính xác định theo nhu cầu chi tiêu thực tế của người lao động với rổ hàng hóa là 45 mặt hàng để đảm bảo nhu cầu 2.300kg Kalo/ngày cho người lao động làm những công việc đơn giản nhất, trong điều kiện bình thường, cộng với nhu cầu nuôi con bằng 70%”, ông Quảng cho hay.

Một trong những điểm mới để xác định tiền lương tối thiểu năm 2020 là Nghị quyết 27- NQ/TƯ 2018 nói rõ là giao cho cơ quan thống kê của Nhà nước đánh giá xác minh và công bố mức sống tối thiểu để làm căn cứ cho Hội đồng Tiền lương đàm phán.

Nghị quyết 27-NQ/TƯ 2018 về cải cách chính sách tiền lương cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Vì vậy, theo ông Quảng ở các kỳ họp năm nay, mức sống tối thiểu là vấn đề hết sức quan trọng.

“Để chuẩn bị cho công tác đàm phán lương, mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có công văn gửi Chính phủ kiến nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ tiến hành nghiên cứu để công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ cho Hội đồng Tiền lương thương lượng, tránh đưa ra các số liệu khác nhau như những năm trước.

Với mức tăng 5,3% của năm 2019, tình hình thảo luận lương tối thiểu 2020 tại Hội đồng Tiền lương tới đây sẽ rất căng thẳng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ mục tiêu như Nghị quyết 27 đã đề ra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động”, ông Quảng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại