Chưa trình Chính phủ việc bỏ độc quyền sách giáo khoa

Hoàng Đan |

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc đổi mới, có nhiều bộ sách giáo khoa đang được các đơn vị chức năng triển khai xây dựng, đến nay vẫn chưa có tờ trình ra Chính phủ.

Thông tin tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục theo hướng mở và Bộ chỉ ban hành chương trình giáo dục phổ thông rồi các tổ chức, cá nhân bám vào đó tự biên soạn bộ sách giáo khoa cho riêng mình được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi vào sáng nay (16/1), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, hiện việc sửa đổi Luật Giáo dục theo hướng mở và đổi mới chương trình sách giáo khoa đang được các đơn vị chức năng triển khai xây dựng, đến nay vẫn chưa có tờ trình ra Chính phủ.

Còn theo một đại diện của Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, để lập đề nghị xây dựng và chưa có thẩm định cũng như trình Chính phủ.

"Về đổi mới chương trình sách khoa, cụ thể là một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cũng không có gì mới mà Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa 13 đã thông qua năm 2014 đang thực hiện và hiện Bộ đang đề xuất đưa vào nhằm thể chế hóa trong Luật Giáo dục sửa đổi.

Tuy nhiên, việc có đưa vào hay không sẽ được quyết định sau khi trình Chính phủ", vị này nói.

Theo vị đại diện của Vụ Pháp chế, định hướng sửa đổi được đưa ra thì Bộ GD - ĐT chỉ chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu về phẩm chất, năng lực học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực, nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh trên phạm vi toàn quốc.

Còn việc biên soạn sách giáo khoa các tổ chức và cá nhân có năng lực có thể tham gia (miễn là đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông).

Ngài ra, UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Nghị quyết 88 của Quốc hội có quy định: "Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh.

Định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục".

Nghị quyết cũng yêu cầu phải thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Bộ GD-ĐT ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Nghị quyết cũng cho phép các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đồng tình khuyến khích biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa phổ thông.

Theo GS Thuyết, việc huy động được lực lượng xã hội tham gia biên soạn để có nhiều bộ sách giáo khoa phổ thông sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng, có lợi cho học sinh và các thầy cô giáo.




Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại