Chuyên gia 40 năm kinh nghiệm không tham gia cuộc thi chống tắc đường ở HN

Hoàng Đan |

TS Nguyễn Xuân Thủy, người có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông cho biết, cuộc thi tuyển ý tưởng chống tắc đường ở Hà Nội thiếu tính khả thi.

Tính khả thi rất nhỏ

Cuộc thi tuyển ý tưởng Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với giải nhất lên tới hơn 4 tỷ đồng đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, người có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông đã bày tỏ sự đánh giá cao mong muốn của Hà Nội trong việc tìm ra ý tưởng xuất sắc giải quyết vấn đề ùn tắc đang rất nóng, thời sự.

Tuy nhiên, TS Thủy cũng cho rằng, xét về mặt khác thì cuộc thi này còn nhiều bất cập đã được dư luận và một số chuyên gia phản ánh.

Trước hết, là thời gian của cuộc thi quá ngắn, chỉ kéo dài vài tháng nên chưa thể nghĩ ngay được ra các giải pháp nào có thể hợp lý, hiệu quả tốt nhất, do vậy, làm mất đi tính thực tế.

"Thêm vào đó, ùn tắc giao thông là một vấn đề liên quan đến rất nhiều yếu tố và cũng là bài toán rất phức tạp, nếu giải ra sẽ có hàng chục ẩn số khác nhau, đồng thời, mỗi ẩn số sẽ có xem như một dự án nên không thể nào tập hợp, giải quyết ngay để báo cáo thành phố.

Việc đưa ra một chính sách, chủ trương nhưng không thực tiễn, lộ trình trong khi thời gian quá ngắn, vấn đề quá phức tạp nên tính khả thi của nó rất nhỏ", TS Thủy nêu.

Chuyên gia 40 năm kinh nghiệm không tham gia cuộc thi chống tắc đường ở HN - Ảnh 1.

Ảnh: Ngọc Thắng.

Liên quan đến việc giới hạn đối tượng tham dự cuộc thi, TS Thủy đánh giá, đây là quyền của ban tổ chức.

"Nhưng với một vấn đề liên quan đến xã hội, kinh tế, khoa học phức tạp như vậy lại hạn chế đối tượng tham gia thì sẽ giảm bớt đi các ý kiến xuất sắc, hay, tâm huyết và từ đó, tạo ra tính cục bộ. Do vậy, tính khả thi, hiệu quả rất thấp", TS Thủy bày tỏ.

Ông cũng dẫn lại câu chuyện Hội nghị Diên hồng cách đây nhiều trăm năm, khi nhà vua đã xin ý kiến của các bô lão, người dân để quyết tâm đánh giặc Nguyên - Mông xâm lược để nói việc, đối với vấn đề liên quan đến xã hội, người dân thì nên xin ý kiến rộng rãi để có phương án hiệu quả nhất.

"Tất cả các giải pháp từ trước đến nay hầu hết đều do cá nhân nghĩ ra, sau đó, tập thể bàn bạc, thống nhất nhưng ở đây, lại giới hạn cho tập thể, tổ chức, đơn vị, nếu chẳng may, giải thưởng lại rơi vào tổ chức mà lâu nay vẫn làm nhưng không có hiệu quả thì sẽ rất lãng phí.

Vì thế, theo tôi nên hỏi ý kiến toàn dân xem ai có ý kiến, tâm huyết, sáng tạo góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc rồi tập hợp lại, đưa ra lộ trình, bộ máy lựa chọn ý tưởng tốt nhất để có thể thực hiện chứ không nên bó hẹp thời gian, loại trừ ý kiến cá nhân", ông Thủy nói thêm.

Vị chuyên gia có 40 năm nghiên cứu giao thông cũng nêu rõ, ban đầu ông cũng rất muốn tham gia cuộc thi nhưng khi tìm hiểu thêm, thấy tính khả thi không có nên ông đã từ bỏ ý định đó.

"Tôi lướt qua rất nhanh và không muốn tham gia nữa vì tính hiệu quả, thực tiễn, hiện thực hóa không có thì mình tham gia làm gì.

Thứ nữa, tuổi tôi đã cao nên không thể chạy theo tính chất đánh đố như vậy được. Còn ở đây, nếu muốn làm thì thành phố nên mời những người tâm huyết, đã có nhiều ý kiến và người dân bình thường đến để lắng nghe, trao đổi, từ đó, tìm được ý kiến tốt nhất", TS Thủy nêu rõ.

Lời giải nào cho bài toán tắc đường ở Hà Nội?

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, như nhiều lần ông đã từng đề cập thì vấn đề ùn tắc giao thông không phải là bài toán đau đầu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều nước trên thế giới gặp phải.

Tuy nhiên, đối với Hà Nội, có 5 "điểm thắt" chính dẫn đến vấn đề ùn tắc giao thông, trong đó, đầu tiên phải nói đến là hạ tầng giao thông ở thủ đô còn quá yếu kém.

Tiếp đến, giao thông công cộng lạc hậu, mới chỉ đáp ứng được 8 - 10% so với nhu cầu của người dân. 

Thứ nữa là quy hoạch đô thị còn rất bất cập, quá nhiều nhà cao tầng mọc lên trong nội đô, trong khi, hạ tầng giao thông quá thấp, yếu kém không theo kịp để đáp ứng nhu cầu. Và cuối cùng, chính là ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông.

"Với 5 điểm thắt này, tôi cho rằng, nếu thành phố cầu thị, nhìn nhận và có cán bộ chuyên ngành tốt thì sẽ có thể giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, việc lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, người tâm huyết thì sẽ tạo được hiệu quả hơn. Còn nếu cứ làm qua loa, cẩu thả thì việc ùn tắc sẽ càng trầm trọng hơn", TS Thủy nhấn mạnh.

Trước câu hỏi, với 5 "điểm thắt" này thì giải pháp quan trọng nhất cần thực hiện đối với tắc đường ở Hà Nội là gì? TS Thủy nêu rõ, không có bất cứ giải pháp chính nào mà tất cả cần phải được thực hiện đồng bộ, cụ thể, không loại trừ.

Đối với ý kiến đề xuất nên cấm xe máy, xe taxi cũng như ôtô cá nhân thì sẽ giảm ùn tắc giao thông, TS Thủy khẳng định, ông không đồng tình với ý kiến đó.

"Một số người nói cứ cấm ra đường là hết tắc nhưng không bao giờ cấm được ôtô, xe máy, bởi đây là mạch máu của nền kinh tế. Nếu chúng ta cấm như vậy thì hàng triệu người sẽ không có việc làm, GDP bị ảnh hưởng và nhiều vấn đề khác.

Giao thông về cả nghĩa đen, nghĩa bóng đều là mạch máu nên chúng ta đảm bảo chống ùn tắc nhưng giao thông vẫn di chuyển được bình thường đó mới là tài, là hiệu quả và đây mới là bài toán cần đặt ra", ông bày tỏ thêm.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại