Phải công nhận, Gen Z bây giờ nhiều người quá đỉnh, vừa chăm học, vừa chịu làm. Chia sẻ của cô bạn đang là sinh viên năm cuối này, có lẽ, sẽ khiến không ít anh chị đã đi làm lâu năm phải thốt lên “sao giỏi quá vậy ta?”.
Khiêm tốn thừa nhận bản thân chưa có nhiều vốn sống và trải nghiệm, nhưng rõ ràng, những gì mà cô sinh viên năm cuối này làm được khiến ai cũng phải nể, khen không ngớt lời. Tự kiếm tiền, lại biết mua vàng tích sản, đồng thời biết lo, biết nghĩ cho tương lai, không nể làm sao được?!
Vì sao không nên ỷ lại vào công việc buôn bán nhỏ lẻ mà từ chối đi làm văn phòng?
Không cần “nhập cuộc chơi 9-to-5” vẫn kiếm được tiền trang trải cuộc sống, thế thì cần gì đi làm văn phòng nữa? Có lẽ, đây là suy nghĩ chung của không ít các bạn sinh viên 2 giỏi: Giỏi học, giỏi kiếm tiền.
Đương nhiên, dù bạn quyết định thế nào sau khi ra trường, cũng không ai có quyền phán xét quyết định của bạn là đúng hay sai. Nhưng để giảm thiểu khả năng bản thân sẽ hối hận về sau vì lựa chọn của chính mình, hãy suy nghĩ theo 2 hướng dưới đây, trước khi “chốt” xem mình vừa đi làm văn phòng, vừa buôn bán hay chỉ chọn 1 trong 2.
1 - Đa dạng hóa thu nhập
Kinh tế khó khăn, việc buôn bán có thể thuận lợi lúc này, nhưng chẳng ai dám chắc vài năm tới sẽ ra sao. Còn đi làm văn phòng, chắc hẳn ai cũng sẽ canh cánh trong lòng nỗi lo việc bị sa thải do công ty cắt giảm nhân sự. Vậy nên người ta mới khuyên nhau phải đa dạng hóa thu nhập bằng mọi cách.
Sinh viên mới ra trường, tài sản lớn nhất là sức trẻ, sức khỏe và thời gian. Thế nên chẳng tội gì mà không tận dụng lợi thế ấy để kiếm tiền, tiết kiệm. Ban ngày đi làm văn phòng, tối về buôn bán. Có thể sẽ vất vả hơn một chút, nhưng đổi lại, nỗi lo về chuyện không có đủ tiền để trang trải cuộc sống sẽ vơi bớt đi phần nào.
2 - Mở rộng mối quan hệ
Nhắc tới chuyện đi làm văn phòng, hay buôn bán kiếm tiền, yếu tố thu nhập luôn là mối bận tâm đầu tiên. Đương nhiên rồi, đi làm mà, phải có tiền chứ! Nhưng thực tế, tiền chưa bao giờ là điều quan trọng duy nhất.
Thử tưởng tượng thế này: Bạn tốt nghiệp đại học và không đi làm văn phòng vì công việc buôn bán thuận lợi. Chưa kể, làm tự do, thích dậy lúc nào thì dậy, không cần lo giờ chấm công, cũng chẳng sợ trễ deadline. Nghe lý tưởng, tuyệt vời quá đúng không? Nhưng nếu tình trạng ấy cứ duy trì vài năm trời, tiền có thể không thiếu, nhưng cả ngày quanh quẩn ở nhà, “nói chuyện” qua màn hình điện thoại với những người mà bản thân chẳng rõ họ là ai, rồi chốt đơn, đóng hàng,... Bạn có thấy thiếu gì không?
Câu trả lời chính là những mối quan hệ chất lương và những tương tác trực tiếp giữa người với người.
Đi làm văn phòng, ngoài việc có tiền lương, thì yếu tố quan trọng không kém chính là mở rộng mối quan hệ. Bạn có mentor trong công việc, đôi khi là trong cả cuộc sống; bạn được quen biết, kết giao với những người giỏi hơn mình, thành công hơn mình, suy nghĩ sâu sắc hơn mình.
Có thể ngay lúc này, bạn cảm thấy việc có những mối quan hệ như vậy trong đời là điều vô thưởng vô phạt, nhưng tới khi không may rơi vào cảnh hoang mang lạc lối, chẳng biết tâm sự với ai, chẳng biết tìm ai để xin lời khuyên, mới thấy có một mentor trong công việc và trong cuộc sống là điều quan trọng, cần thiết tới mức nào.
Suy cho cùng, cuộc sống của chúng ta - dù là người rất trẻ hay người đã trưởng thành, đã trải sự đời, kiếm tiền chưa bao giờ là điều quan trọng duy nhất.
Vậy nên, đừng chỉ vì mục tiêu kiếm tiền mà gạt đi việc xây dựng cho mình những mối quan hệ chất lượng, đặc biệt là khi bạn còn trẻ và chưa vướng bận chuyện gia đình, con cái. Làm được gì, hãy làm hết, cố một hơn một chút để sau này đỡ phải thốt lên 2 tiếng “giá như”, chẳng phải vẫn tốt hơn sao?