Chưa nhậm chức, ông Biden đã có động thái "nắn gân" TQ đầu tiên?

Vương Nam |

Ông Joe Biden người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ hôm 12.11 có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide về vấn đề an ninh, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy không hài lòng, theo Thời báo Hoàn cầu.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, ông Biden chưa nhậm chức mà đã bàn bạc với Nhật Bản về vấn đề “nhạy cảm” như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là động thái muốn thăm dò phản ứng của Trung Quốc.

Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) từ lâu đã là vấn đề tranh cãi chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Theo tờ báo Trung Quốc, chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của ông Biden khá tương đồng với cựu Tổng thống Obama. Theo đó, Mỹ sẽ tập hợp sức mạnh của các đồng minh trong khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Ông Suga vừa nhậm chức cũng đang muốn chứng tỏ năng lực và sự cứng rắn của mình trước Bắc Kinh.

Trong cuộc điện đàm với ông Biden, Thủ tướng Suga nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quân sự Mỹ - Nhật.

Ông Biden nhấn mạnh, Mỹ sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo cam kết an ninh.

“Nhật Bản cần nhận được cam kết từ Tổng thống tương lai của Mỹ để duy trì vị thế ở Đông Á. Tuy nhiên, ông Biden chưa nhậm chức mà đã đưa ra cam kết về vấn đề nhạy cảm như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điều không thường thấy”, Li Haidong - giáo sư tại Viện Quan hệ quốc tế, Trung Quốc – nhận xét.

Năm 2014, cựu Tổng thống Obama tuyên bố Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật được áp dụng với cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tháng 2.2017, Tổng thống Trump cũng đưa ra cam kết tương tự.

Tuy nhiên, ông Biden thể hiện quan điểm của mình về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước cả khi nhậm chức.

Chưa nhậm chức, ông Biden đã có động thái nắn gân TQ đầu tiên? - Ảnh 2.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là “điểm nóng” tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc (ảnh: SCMP)

“Tôi nghĩ ông Biden nên ưu tiên các vấn đề cấp bách hơn trong nước như kiểm soát dịch Covid-19, khôi phục kinh tế. Mỹ không nên gây thêm rắc rối cho Trung Quốc. Đừng ảo tưởng rằng Bắc Kinh sẽ chỉ ngồi im và nhìn”, ông Li nói.

“Động thái mới của ông Biden cho thấy chính quyền mới của Mỹ coi trọng hợp tác với các đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc hơn là hành động độc lập. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nhật Bản đều đang gặp nhiều rắc rối trong nước”, Liu Junhong – chuyên gia từ Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc – nhận xét.

“Thời thế giờ đã thay đổi. Sức mạnh quân sự, kinh tế của Trung Quốc giờ đã khác. Bắc Kinh không việc gì phải phản ứng dữ dội trước cam kết với Nhật Bản của ông Biden”, ông Liu nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại