Nhiều nhân vật cấp cao ra đi
Hàng loạt thay đổi về nhân sự, được Bộ Quốc phòng thông báo khoảng 24 giờ sau khi Tổng thống Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã khiến các quan chức trong cơ quan này “đứng ngồi không yên”, làm dấy lên cảm giác lo lắng về những điều có thể xảy ra tiếp theo.
Đã có 4 nhân vật từ chức hoặc bị sa thải kể từ ngày 9/11, trong đó có Bộ trưởng Esper, chánh văn phòng của ông và các quan chức hàng đầu giám sát chính sách và tình báo. Thay thế họ là những người trung thành với ông Trump, trong đó có một nhân vật gây tranh cãi, từng gọi ông Obama là “ kẻ khủng bố”.
Động thái mới nhất này đã làm gia tăng thêm sự xáo trộn trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, ông Trump vẫn không thừa nhận kết quả bầu cử, cho rằng việc kiểm phiếu có nhiều gian lận, đồng thời từ chối chuyển giao quyền lực cho chính quyền ông Biden. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng, sự gián đoạn trong quá trình chuyển tiếp có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia.
Mặc dù các quan chức hàng đầu trong chính quyền đã quen việc ứng phó với những quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump kể từ khi ông lên nắm quyền, nhưng kể từ sau cuộc bầu cử, những vấn đề khó lường ngày càng phát sinh nhiều hơn.
CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Nhà Trắng dường như thúc đẩy việc cải tổ sau khi một số quan chức dưới quyền ông Esper nối bước ông rời khỏi Bộ Quốc phòng. Tổng thống Trump đã lựa chọn Christopher Miller, giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia làm quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Cũng theo các nguồn tin trên, sở dĩ ông Esper bị sa thải là bởi ông và đội ngũ của ông đã phản đối việc rút quân sớm khỏi Afghanistan trước khi các điều kiện trên thực địa được đáp ứng và còn nhiều vấn đề an ninh khác vẫn chưa được giải quyết.
Cài cắm những nhân vật trung thành
Trong số những người đảm nhiệm vai trò mới tại Bộ Quốc phòng có một nhân vật từng gây nhiều tranh cãi là tướng về hưu Anthony Tata. Ông Tatta sẽ thay thế ông James Anderson trở thành quyền thứ trưởng quốc phòng phụ trách vấn đề chính sách. Hồi đầu năm nay, ông Tara từng được đề cử giữ chức vụ này nhưng đề cử sau đó bị rút lại vì sự phản đối của lưỡng đảng.
CNN cho biết, ông Anthony Tata là người thường xuyên đưa ra những phát ngôn và bình luận gây tranh cãi. Trong một bài đăng trên trang Twitter vào năm 2018, ông gọi ông Obama là “thủ lĩnh của khủng bố” – một người đã làm nhiều thứ để “gây hại cho nước Mỹ” và “giúp đỡ các nước Hồi giáo nhiều hơn bất cứ Tổng thống nào trong lịch sử”.
Tara được cho là nhân vật đặc biệt trung thành với ông Trump và nhận được sự ủng hộ từ Nhà Trắng ngay cả khi các quan chức đảng Cộng Hòa tại Ủy ban Quân vụ Thường viện bày tỏ sự phản đối việc để cử ông này vào vị trí nêu trên.
Nhiều thành viên đảng Dân Chủ đã tỏ ra lo ngại trước những diễn biến mới này: “Rất khó để đánh giá mức độ nguy hiểm của việc thay thế các quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng ở giai đoạn chuyển giao quyền lực Tổng thống. Việc chuyên gia chính sách hàng đầu của bộ này từ chức, một ngày sau khi Bộ trưởng Esper bị sa thải đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn đầy bất ổn trong Bộ Quốc phòng. Đây là một điều đáng báo động đối với tất cả người dân Mỹ”, ông Adam Smith – Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện cho biết hôm 10/11.
Ông James Anderson không phải nhân vật cấp cao duy nhất rời bỏ cơ quan này vào hôm 10/11. Ngoài ông, còn có tướng hải quân về hưu Joseph Kernan - Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Tình báo và An ninh. Hiện vẫn chưa rõ ông Kernam từ chức hay bị sa thải. Thay thế ông Kernan là Ezra Cohen-Watnick, giám đốc tình báo tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Ông Kash Patel được chỉ định là chánh văn phòng của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, một quan chức trong chính quyền ông Trump cho biết. Ông Patel từng là người đứng đầu chiến dịch chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ông nằm trong số những cái tên được nhắc đến trong cuộc điều tra luận tội của Hạ viện liên quan đến cáo buộc chính quyền ông Trump trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông Patel có quan hệ rất thân thiết với ông Miller, nguồn tin trên cho biết thêm.
Nhiều quan chức dân sự và quân sự làm việc trong Bộ Quốc phòng đang đặt câu hỏi liệu sự ra đi của Esper và các quan chức khác có thể dọn đường cho ông Trump thực hiện những sáng kiến mà ông đưa ra bất chấp sự phản đối của Bộ Quốc phòng, trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ hay không.
Một nguồn tin cho biết, ông Trump có khả năng hiện thực hóa đề xuất điều động binh sỹ trong quân đội đối phó với các cuộc biểu tình trong tương lai theo Đạo luật Chống nổi loạn. Một khả năng khác là ông sẽ bỏ qua những lời can ngăn và quyết tâm đưa các lực lượng tại Afghanistan về nước trước Giáng sinh.
Nhiều quan chức quân sự của Mỹ từ lâu nhấn mạnh rằng, việc rút quân khỏi Afghanistan phải căn cứ vào tình hình thực tiễn và có hai điều kiện cần được đáp ứng, đó là Taliban chấm dứt quan hệ với tổ chức khủng bố al Qaeda, các cuộc đàm phán giữa lực lượng này với chính phủ Afghanistan phải tiến triển. Chính quyền ông Trump đã giảm số lượng binh sỹ đồn trú tại Afghanistan, xuống còn 4.500 người, mức thấp nhất kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Một số quan chức chỉ ra rằng, với việc ông Esper và nhiều quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng ra đi, đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden sẽ mất đi những chuyên gia tài năng trong cơ quan này.
Quyết định của Tổng thống Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Esper làm dấy lên lo ngại rằng nhiều quan chức an ninh cấp cao khác sẽ rơi “vào vòng nguy hiểm”. CNN ngày 9/11 đưa tin, ông Trump và một số đồng minh ngày càng tỏ ra thất vọng với Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ Gina Haspel cáo buộc bà trì hoãn công bố các tài liệu mà họ cho là phơi bày âm mưu chống lại chiến dịch tranh cử của ông Trump dưới thời cựu Tổng thống Obama. Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cũng đang nằm trong tầm ngắm./.