Khi điện gió, điện mặt trời trong nước chưa được mua hết công suất thì EVN lại đi nhập khẩu điện từ các nước lân cận gây ra tình trạng bức xúc trong doanh nghiệp. (ảnh: Int)
Thảo luận tại hội trường bàn về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chiều 31/5, đại biểu Trần Thị Hoa Ri (Bạc Liêu) cho biết, trước thềm kỳ họp Quốc hội Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch điện 8 với mục tiêu đặt ra là phát triển mạnh cho năng lượng tái tạo. Đây là vấn đề cử tri rất quan tâm.
Tuy nhiên, đại biểu Hoa Ri cho rằng thực tế về phát triển năng lượng tái tạo đang nhiều bất cập. Bởi chủ trương vẫn luôn khẳng định khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo. Trong thực tiễn, đầu tư năng lượng điện gió, điện mặt trời thì doanh nghiệp đầu tư với chi phí cao hơn so với lĩnh vực khác, nhưng việc định giá để mua điện gió, điện mặt trời lại thấp hơn so với điện than, điện chạy dầu.
Điều đáng nói, khi điện gió, điện mặt trời trong nước chưa được mua hết công suất thì EVN lại đi nhập khẩu điện từ các nước lân cận gây ra tình trạng bức xúc trong doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này vì không đảm bảo quyền lợi đầu tư chính đáng.
“Tôi không hiểu vì sao lại có những bất cập này và tôi cho rằng nếu không kịp thời tháo gỡ thì sẽ là điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do vậy tôi đề nghị Chính phủ sớm có sự quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp, đồng thời cũng để đảm bảo các mục tiêu trong việc quy hoạch điện 8 để phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất sớm đi vào cuộc sống”, đại biểu Trần Thị Hoa Ri kiến nghị.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, việc các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo khá nhiều nhưng không được đấu nối hoặc đấu nối cầm chừng là khá nghiêm trọng. Trong khi đó nguồn điện gió, điện mặt trời ở Cà Mau khá lớn, nhu cầu sử dụng điện ở Cà Mau không nhiều vì các khu, cụm công nghiệp rất ít.
Qua các cuộc làm việc, nhất là tại nghị trường Quốc hội, đoàn đã kiến nghị nhiều lần liên quan đến vấn đề đấu nối, hoà mạng hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió.
“Do vậy, tôi kiến nghị chúng ta nên đầu tư vào các cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp lớn trên địa bàn để giải phóng các nguồn điện tại chỗ, chuyển nguồn điện gió cho các nhà máy sản xuất sử dụng thì mới khai thác hết được năng lượng địa phương”, đại biểu Hận nói.
Theo vị đại biểu tỉnh Cà Mau, hiện nguồn lực điện của chúng ta rất lớn, trong khi chúng ta lại có kế hoạch đi nhập khẩu điện. Tại sao chúng ta không sử dụng nguồn lực tại chỗ, nguồn lực trong nước, tạo điều kiện mua điện của các doanh nghiệp trong nước khi dư địa còn nhiều mà lại đi nhập khẩu điện ở nước ngoài?. Trong khi EVN báo lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ.
“Vì vướng mắc, nên rất nhiều dự án điện mặt trời, điện gió không được đấu lưới. Chúng ta có cơ hội, thừa điện tái tạo nhưng lại có những doanh nghiệp đóng cửa, không hòa mạng lưới được, ai chịu trách nhiệm?”, ông Hận đặt vấn đề.
Trước đó, như MarketTimes đã đưa tin 23 nhà đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị về việc hướng dẫn, chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, thực hiện thanh quyết toán khi có giá chính thức theo hợp đồng mua bán điện.
Theo các nhà đầu tư, điều này sẽ góp phần tránh lãng phí nguồn lực xã hội do việc đàm phán tiếp tục kéo dài, sớm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện, góp một phần giải quyết vấn đề thiếu điện đang rất cấp bách hiện nay.