Chưa hết quý 3, Việt Nam đã có đối tác thương mại đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD

Dy Khoa |

Hết tháng 8/2023, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và nước này đạt 105,45 tỷ USD. Đây là đối tác thương mại đầu tiên trong năm nay cán mốc 100 tỷ USD.

Chưa hết quý 3, Việt Nam đã có đối tác thương mại đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 8, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 36,61 tỷ USD, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hết tháng 8, 9 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, số lượng này tương đương cùng kỳ 2022.

Ba nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc là: điện thoại các loại và linh kiện 8,87 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 8,73 tỷ USD; rau quả 2,26 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng gần 113% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 1,2 tỷ USD.

Chiều ngược lại, nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này trong 8 tháng đầu năm đạt 68,84 tỷ USD, dù giảm hơn 13 tỷ USD so với cùng kỳ 2022, nhưng đây vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33% kim ngạch cả nước.

Hết tháng 8 có 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 14,28 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,17 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là 2 nhóm hàng có kim ngạch giảm nhiều nhất, giảm hơn 2 tỷ USD/nhóm hàng so với cùng kỳ năm ngoái.

Chưa hết quý 3, Việt Nam đã có đối tác thương mại đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD - Ảnh 2.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc có tín hiệu tích cực, trong đó có trái sầu riêng. Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, trong 8 tháng qua có 11 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên như: vải các loại; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép các loại; sản phẩm từ chất dẻo; sản phẩm hóa chất; sản phẩm từ sắt thép; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày…

Với 105,45 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô kim ngạch từ 100 tỷ USD trở lên trong năm 2023 và tiếp tục duy trì vị thế bạn hàng lớn nhất của nước ta.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 175,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 117,87 tỷ USD.

Như vậy, năm 2022, Việt Nam chịu thâm hụt lớn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc khi con số nhập siêu lên đến hơn 60 tỷ USD.

Năm ngoái có 12 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm đạt từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại các loại và linh kiện với 16,26 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,88 tỷ USD.

Nhìn chung, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khá phong phú, từ sản phẩm điện tử đến hàng nông sản. Đáng chú ý có 3 nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp có kim ngạch tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; rau quả.

Chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đa dạng. Đáng chú ý, năm 2022 có tới 19 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm “chục tỷ đô” gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 24,29 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 24 tỷ USD.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD.

Trong năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ ASEAN 13,6 tỷ USD, tăng 10,6%.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại