Nhiều sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ ở NATO không về nước
Ngày 20-11-2016, căng thẳng giữa Mỹ-NATO với Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục gia tăng khi Tổng thống nước này là ông Recep Tayyip Erdogan tiếp tục cáo buộc NATO đang “bao che” cho các quân nhân nước này, đã tham gia vào cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào ngày 15/7.
Theo truyền thông Đức, một số quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ trong căn cứ NATO tại thị trấn Ramstein của Đức đã gửi đơn xin tị nạn đến các cơ quan chức năng của Đức. Như kênh truyền hình SWR, thông tin này đã được cơ quan quản lý Quận Kaiserslautern xác nhận.
Những quân nhân này đưa ra lý do xin tị nạn vì tình hình chính trị hỗn loạn trong nước hậu đảo chính. Theo cơ quan quản lý Đức, tại căn cứ Ramstein có khoảng 40 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân cùng với gia đình họ. Tuy nhiên, không rõ số lượng binh sĩ đã gửi đơn.
Tuy nhiên, sau đó các nguồn tin của phương tiện truyền thông Đức đã xác nhận rằng, không chỉ có các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ tại căn cứ không quân Ramstein gửi đơn đến chính quyền Đức xin tị nạn, mà còn có cả những sĩ quan cao cấp thuộc các đơn vị khác.
Theo đó, trong số người đã gửi đơn xin tị nạn ở Đức còn có cả những chuyên gia, quan chức quân sự làm việc trong Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, sĩ quan liên lạc tại văn phòng NATO tại Đức và một số nhân viên liên lạc, hậu cần tại thành phố Koblenz.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã thông báo việc một số sĩ quan và chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn tại các nước thành viên NATO mà họ đang làm việc. Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh, chính quyền của các nước đó sẽ ra quyết định đồng ý hay không, chứ không phải là ban chỉ huy NATO.
Sau cuộc đảo chính ngày 15/7, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào khủng hoảng trầm trọng
Ngày 20/11, cựu lãnh đạo bộ phận tình báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là ông Ismail Hakki Pekin cho biết rằng, không ít quân nhân trong số đã nộp đơn xin tị nạn, thời gian qua bị coi là mất tích, vì không liên hệ được với họ và họ cũng không gửi thông tin về báo cáo.
Ông Pekin còn cho biết rằng, Bộ trưởng Nội vụ của Đức mới đây đã tuyên bố "đơn xin tị nạn từ phe đối lập (của Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ được tiếp nhận. Theo ông Pekin, sự chấp nhận đơn của quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn ở Đức có thể tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và Berlin.
Là một thành viên quan trọng của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra vô cùng giận dữ với các lãnh đạo tổ chức này sau cuộc đảo chính, vì cho rằng chính quyền của họ không được ủng hộ rõ ràng.
Căng thẳng càng trở nên trầm trọng khi sau chính biến, nhiều sĩ quan và chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cho NATO đã xin tị nạn chính trị để trốn khỏi sự trừng phạt của Ankara.
Tổng thống Erdogan tuyên bố rằng, không thể chấp nhận việc những sĩ quan hay chuyên gia quân sự trở thành khủng bố, sau khi tham gia đảo chính hôm 15/7, lại có mặt phục vụ trong hàng ngũ NATO. Và việc tổ chức này chấp thuận đề nghị tị nạn kiểu như vậy là không thể chấp nhận được.