Chưa dừng lại ở tuyên bố, Netanyahu "cảnh cáo" Nga bằng hành động

Đức Huy |

Một sự kiện diễn ra hôm nay tại Israel cho thấy, nước này quyết tâm không để Nga và Mỹ chi phối số phận của Cao nguyên Golan mà Israel đang nắm giữ.

Theo tin từ Jerusalem Post, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hôm nay (18/4) đã bất ngờ tổ chức tập trận không quân không báo trước tại khu vực thung lũng Jordan, phía nam Cao nguyên Golan và Biển Galilee.

Trong tuyên bố chính thức của mình, IDF giải thích rằng cuộc tập trận này đã nằm trong kế hoạch định sẵn của họ cho năm 2016, song theo trang DebkaFile, không khó để nhận ra đây rõ ràng là một nước cờ tiếp nối tuyên bố hôm qua của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Nội các Israel hôm 17/4 vừa qua đã tổ chức phiên họp hàng tuần của họ trên Cao nguyên Golan. Tại đây, ông Netanyahu đã tuyên bố Israel sẽ "không bao giờ rút khỏi Golan", trước những thông tin cho rằng Nga-Mỹ đang hợp tác đưa cao nguyên này về với lãnh thổ Syria.

Một số còn cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Barack Obama bên phía Mỹ đã "bật đèn xanh" cho hai Ngoại trưởng Kerry và Lavrov đề xuất ý tưởng này tại phiên họp sắp tới của hội nghị Geneva.

Theo nguồn tin của Debka, nhiều quan chức cấp cao Israel đã sốc khi nhận được thông tin trên, và ông Netanyahu đã phải trấn an bằng tuyên bố hôm qua.

Và với cuộc tập trận không báo trước hôm nay ngay tại điểm nóng, và chỉ vài ngày trước chuyến công du tới Moscow, có thể thấy Thủ tướng Israel đã thể hiện rõ thái độ bất bình của ông trước những động thái mang tính sắp đặt của Nga và Mỹ.

Trong mắt hai "ông lớn" này, giải quyết tranh chấp Cao nguyên Golan là một tiến trình lâu dài, có thể cần đến nhiều năm mới hoàn tất. Nhưng kết cục mà họ mong muốn thì đã rõ ngay từ đầu, đó là Israel phải rời khỏi đây.

Điều đáng nói là ông Netanyahu không tới Washington để thảo luận về vấn đề Golan với ông Obama, mà chọn đến Moscow. Nhưng chuyến công du liên tiếp tới Nga của các quan chức cấp cao Israel cho thấy họ đánh giá cao vai trò của Moscow tại Trung Đông.

Nhưng khác với Mỹ, nơi có Ủy ban AIPAC bảo vệ quyền lợi Nhà nước Do Thái, Israel không hề có một hội đoàn nào có đủ tầm ảnh hưởng để vận động hành lang tại Nga.

Kết quả từ những chuyến "đi sứ" của quan chức Israel tới Moscow cho thấy, Nhà nước Do Thái vẫn chưa thể thuyết phục được lãnh đạo Nga đảm bảo quyền lợi cho Israel.

Đương nhiên ông Putin cũng có nhượng bộ đôi chút với Israel, nhưng thường chỉ ở các khía cạnh nhỏ nhặt, còn trên phương diện ngoại giao và quân sự liên quan đến Assad, Iran, và Hezbollah, trang tin DebkaFile cho rằng Nga không hề đoái hoài đến quan điểm của Israel.

Với những diễn biến gần đây, cũng chính 3 phe nói trên đang "mở cở trong bụng" khi nghe tin Nga-Mỹ đang hợp tác thuyết phục Israel rời Golan.

Không vui sao được, khi họ vừa tránh được nguy cơ giao tranh với một Israel hùng mạnh, vừa đạt được mục đích.

Có lẽ cũng không ngoa khi nói ông Netanyahu đã hết kiên nhẫn với Nga, khi nước này liên tiếp vượt qua những "lằn ranh đỏ" hai bên định sẵn từ trước khi những chiếc Sukhoi xuất hiện trên bầu trời Syria.

Tuyên bố cứng rắn cùng cuộc tập trận không báo trước tại Golan đã thể hiện điều đó, và hãy cùng chờ xem Netanyahu sẽ còn làm gì trong cuộc gặp Putin tại Moscow vào ngày 21/4 tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại