Putin không phải "Ông hoàng Trung Đông", Lebanon nên hiểu điều đó

Đức Huy |

Cuộc họp kín giữa lãnh đạo Phong trào Tương lai Lebanon Saad Hariri và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hé lộ nhiều điều về khả năng thực sự của Nga tại Trung Đông.

Cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, nay là lãnh đạo Phong trào Tương lai tại quốc gia này, đã tới thăm Moscow hôm 30/3 vừa qua. Chuyến công du của ông Hariri không nhận được nhiều sự chú ý, đa phần bởi cả ông lẫn phía Nga đều muốn "ém" thông tin.

Phía điện Kremlin chỉ đưa một thông cáo cụt lủn về sự kiện này, rằng ông Hariri "đã tới thăm", mà không đưa ra bất kì chi tiết nào khác.

Tuy nhiên, đáng chú ý ở chỗ đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đón ông Hariri. Theo al-Monitor, điều này cho thấy những gì hai bên trao đổi mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với cả Lebanon, Nga, cũng như một số thế lực khác tại Trung Đông.


Tổng thống Nga Vladimir Putin đón tiếp cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón tiếp cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri. Ảnh: Reuters

Hiện nay, cả Moscow và ông Hariri đều chung quan điểm rằng các vấn đề nội bộ Lebanon cần được giải quyết thể theo tâm tư nguyện vọng người dân nước này, thay vì chịu ảnh hưởng của bất kì thế lực ngoại bang nào.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, mỗi bên lại có một khái niệm khác về cái gọi là "ảnh hưởng từ thế lực ngoại bang".

Với Moscow, điều đó đồng nghĩa với các nước phương Tây cũng như khối vùng Vịnh áp đặt quan điểm của họ vào bộ máy cầm quyền Lebanon. Nhưng trong mắt ông Hariri, "ảnh hưởng từ thế lực ngoại bang" trên hết xuất phát từ Iran và Hezbollah.

Nga muốn giữ vững hệ thống quyền lực hiện tại ở Lebanon, với Tổng thống là người Kitô giáo, Thủ tướng theo dòng Sunni, và một tín đồ Shiite đứng đầu Quốc hội, bởi Moscow e ngại việc phá vỡ cân bằng này sẽ kích động nội chiến.

Trong khi đó, Hariri có quan hệ mật thiết với Saudi Arabia, và muốn bộ máy lãnh đạo giảm bớt ảnh hưởng của dòng Shiite và Kitô giáo tại Lebanon, đồng thời cho rằng hiện nay ưu thế về nhiều mặt đang thuộc về dòng Sunni, và điều đó cần được thể hiện trong bộ máy chính trị.

Tuy vậy, cả đảng của Hariri cũng như phía Moscow đều thống nhất quan điểm rằng chừng nào chính trị Lebanon còn bất ổn như hiện nay, chừng đó những nguy cơ các lực lượng thù địch phá hoại xã hội nước này còn hiện hữu.

Lạc quan quá đà?

Tình hình hiện nay ở Lebanon rõ ràng đang là một mối quan tâm của chính phủ Putin. Nhưng việc Hariri đề đạt nguyện vọng nhờ Nga tận dụng quan hệ với Iran để tổ chức bầu cử Tổng thống dường như hơi quá đối với điện Kremlin.

Một nguồn tin thân cận với bộ Ngoại giao Nga tiết lộ với al-Monitor rằng, sau cuộc đối thoại Hariri-Putin vừa qua, một số quan chức Nga đã "đặt dấu hỏi liệu Hariri có hiểu rằng Moscow thật sự không thể thay đổi nhiều điều trong mối quan hệ với Tehran, Damascus và Hezbollah hay không".

Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ, khi Hariri muốn Moscow gây áp lực lên Israel hòng kêu gọi Nhà nước Do Thái chấm dứt đánh bom Lebanon hồi năm 2006. Nhưng một lần nữa, có lẽ Hariri đã trở thành nạn nhân của việc "ảo tưởng sức mạnh" Nga tại Trung Đông.


Nga luôn phải tham vấn Israel trước khi thực hiện mọi bước đi tại Trung Đông. Ảnh: IDF

Nga luôn phải tham vấn Israel trước khi thực hiện mọi bước đi tại Trung Đông. Ảnh: IDF

Nhìn từ góc độ này, theo al-Monitor, quan điểm của ông Hariri có lẽ phần nào phản ánh suy nghĩ chung của các cộng đồng người Sunni, rằng Nga cần tận dụng những lợi thế chính trị có được từ Syria để đóng vai trò tích cực trong xây dựng hòa bình khu vực.

Báo này bình luận, sự trông đợi có phần lạc quan thái quá này nhiều khả năng xuất phát từ cách nghĩ rằng Nga là một "tay chơi quyền năng" trên ván bài Trung Đông, rằng Putin là một "Caesar" của khu vực, như nhiều người vẫn ví von.

Nhưng suy nghĩ này của ông Hariri nói riêng và cộng đồng Sunni nói chung, xem ra đã đánh giá quá cao tầm ảnh hưởng của Moscow đối với Iran và Israel, hai trong số những thế lực "có máu mặt" nhất tại điểm nóng Trung Đông.

Rõ ràng điện Kremlin đã có lúc nắm trong tay "quyền mặc cả" trong quan hệ với Iran và Israel, nhưng cái "quyền" ấy không lớn như những gì nhiều người, trong đó có cả phương Tây, vẫn lầm tưởng.

Thêm vào đó, Nga sẽ tận dụng hết sức dè xẻn những "quyền mặc cả" nói trên, và sẽ không sử dụng bừa bãi cho những mục đích không liên quan tới lợi ích quốc gia.

Và ông Hariri nên hiểu điều đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại