Chưa chắc chân ở Việt Nam, FastGo đã muốn tấn công thị trường Malaysia và Myanmar

Hồng Hạnh |

FastGo, ứng dụng gọi xe công nghệ của Việt Nam, chuẩn bị khai trương dịch vụ tại Malaysia và Myanmar vào tháng 12 tới với hi vọng sẽ trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này ở Đông Nam Á.

Sau 5 tháng ra mắt dịch vụ ở Việt Nam, FastGo bắt đầu tính đến mở rộng thị trường ra nước ngoài. Động thái này của FastGo được cho là câu trả lời cho công ty đối thủ Grab của Singapore, công ty lớn nhất trong lĩnh vực gọi xe công nghệ ở Đông Nam Á và Go-Jek của Indonesia.

FastGo cung cấp dịch vụ gọi xe ôm và ô tô tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Đầu tháng 10/2018, công ty này tuyên bố đã chiếm được 20% thị phần địa phương với khoảng 30.000 lái xe đăng ký trên hệ thống của mình.

Ứng dụng này được phát triển bởi công nghệ MPOS Việt Nam, một startup công nghệ do người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành FastGo, ông Nguyễn Hữu Tuất, tạo ra. MPOS thiết lập giải pháp thanh toán di động đầu tiên của Việt Nam vào năm 2013 và liên kết với nhiều đối tác địa phương trong đó có các ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Trả lời phỏng vấn Nikkei Asia Review, ông Tuất cho biết: "Mặc dù lĩnh vực gọi xe công nghệ cao ở Đông Nam Á đang bị chi phối bởi Grab và Go-Jek, nhưng FastGo có những đối tác chiến lược, các mạng lưới và chiến lược phù hợp cho các thị trường Malaysia và Myanmar".

Theo ông Tuất, nền tảng này sẽ cho phép FastGo mở rộng cả ở thị trường trong nước và khu vực đồng thời giữ thăng bằng thị trường gọi xe công nghệ cao. Hiện tại thị trường này đang bị chi phối bởi hai tên tuổi lớn là Grab và Go-Jek và hai công ty này đang bận rộn mở rộng hệ sinh thái của họ. Mục tiêu của FastGo là 30% thị phần ở Malaysia và Myamar sau 6 tháng triển khai.

Ngoài FastGo, MPOS còn cung cấp công nghệ và nền tảng cho hai công ty taxi là Mai Linh của Việt Nam và Blue Bird của Indonesia từ năm 2016.

Chưa chắc chân ở Việt Nam, FastGo đã muốn tấn công thị trường Malaysia và Myanmar  - Ảnh 1.

Đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành FastGo Nguyễn Hữu Tuất.

"FastGo không phải là đối thủ cạnh tranh của các công ty taxi mà là một đối tác. Chúng tôi cung cấp các giải pháp và nền tảng công nghệ cho cả hai công ty taxi và các chủ xe riêng vừa cho các khách hàng thêm nhiều lựa chọn", ông Tuất giải thích.

FastGo không thu tiền hoa hồng của lái xe mà thu của mỗi lái xe 30.000 đồng nếu lái xe thu được hơn 400.000/ngày.

FastGo cam kết sẽ không thay đổi giá đi xe nhưng đề xuất khách đi xe thưởng cho lái xe từ 10.000 đến 100.000 mỗi chuyến để đảm bảo chuyến đi trong giờ cao điểm. Khách hàng mục tiêu của FastGo là nhân viên văn phòng và thanh niên, những người sẵn sàng chi trả bằng thẻ tín dụng hoặc thanh toán di động, tuy nhiên hãng này cũng chấp nhận thanh toán tiền mặt.

Ông Tuất cho biết doanh thu và lợi nhuận chính của công ty sẽ không tới từ dịch vụ gọi xe công nghệ mà từ các dịch vụ khác như giao hàng và cho thuê tài chính.

FastGo là thành viên của tập đoàn NextTech, tiền thân là PeaceSoft, với các công ty chị em tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, hậu cần điện tử và đầu tư khắp Đông Nam Á. Tập đoàn này hoạt động ở 8 quốc gia và phục vụ hơn 12 triệu khách hàng và 40.000 đối tác doanh nghiệp.

Người sáng lập FastGo mới 35 tuổi nhưng đã có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam và là người đồng sáng lập ra 3 công ty startup trong đó có PeaceSoft. Ông Tuất đưa các công ty này qua những vòng gọi vốn từ các nhà đầu tư như tập đoàn dữ liệu IDG, công ty công nghệ SoftBank của Nhật, nhà bán lẻ eBay, MOL AccessPortal của Malaysia và quỹ ACTIS của Anh.

NextTech cũng đứng sau OchoDienTu , một trong những thị trường điện tử đầu tiên của Việt Nam, nền tảng thanh toán điện tử NganLuong và ví di động Vimo.

"Không giống Grab hay Go-Jek, ứng dụng FastGo là một dịch vụ giá trị gia tăng cho hệ sinh thái hiện tại của NextTech và chúng tôi sẽ tối ưu hóa tất cả các ưu điểm của hệ thống đó", ông Tuất cho hay.

FastGo đã giành được ít nhất 3 triệu USD từ chi nhánh của tập đoàn VinaCapital trong đợt gọi vốn đầu tiên vào tháng 8. Công ty này hi vọng sẽ tăng vốn thêm 50 triệu USD nữa vào vòng gây quỹ tiếp theo, dự định là vào quý 1/2019, để phục vụ cho việc mở rộng thị trường ra nước ngoài. FastGo có kế hoạch gọi vốn mỗi 6 tháng 1 lần.

FastGo hi vọng cuối năm 2019, dịch vụ của mình sẽ có mặt tại 20 thành phố ở Việt Nam và 5 thị trường Đông Nam Á khác trong đó có Philippines, Cambodia và Thái Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại