Trong một tuyên bố chung, hai công ty cho biết sẽ cộng tác với nhau trong các dự án công nghệ trong các lĩnh vực như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra Grab sẽ sử dụng một số sản phẩm của Microsoft trong đó có dịch vụ điện toán đám mây Azure.
"Chúng tôi rất hứng khởi với những công ty đang nổi lên ở Đông Nam Á", Peggy Johnson, phó chủ tịch điều hành Microsoft trả lời phỏng vấn CNBC. "Thật tuyệt vời khi chứng kiến cái mà họ đã làm với công nghệ theo cách mà họ đã áp dụng để giải quyết các vấn đề với khách hàng".
Microsoft và Grab từ chối tiết lộ số tiền đầu tư chiến lược này. Tuy nhiên một báo cáo mới đây của Financial Times trích từ một nguồn tin cho biết tổng số tiền đầu tư của dự án này khoảng 200 triệu USD.
Tính tới thời điểm này, Grab đã huy động được 2 tỷ USD từ Toyota và các nhà đầu tư có tổ chức. Công ty gọi xe công nghệ này đã huy động khoảng 6 tỷ USD kể từ ngày 2/8/2018 và theo CB Insights, Grab hiện có giá trị 11 tỷ USD.
Ngày 5/10, công ty SoftBank của Nhật đã ký hợp đồng đầu tư khoảng 500 triệu USD cho Grab. Chủ tịch Grab, ông Ming Maa từ chối bình luận về những đàm phán đầu tư đang diễn ra giữa công ty với các nhà đầu tư nhưng ông cho CNBC biết công ty sẽ gọi vốn khoảng 3 tỷ USD vào cuối năm nay.
Ông Ming cũng từ chối đưa ra những ước tính về mức độ đầu tư từ Microsoft so với những số vốn mà Grab đã huy động từ các nhà đầu tư khác trong năm nay.
"Chúng tôi không thể bình luận về quy mô nhưng tôi nghĩ cái quan trọng hơn với chúng tôi chính là chất lượng của các đối tác chứ không phải quy mô", ông Ming Maa nói.
Grab đã được một số các công ty tiềm năng như SoftBank, Toyota và công ty gọi xe công nghệ Trung Quốc Didi Chuxing góp vốn.
Hiện Grab đang hoạt động ở 8 quốc giá khắp Đông Nam Á với các dịch vụ gọi xe công nghệ, giao hàng thực phẩm, thanh toán di động và các dịch vụ tài chính. Đầu năm 2018, Grab đã mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á và do đó phải đối mặt với sự giám sát pháp lý ở một số thị trường.
Ông Maa cho biết Grab sẽ sử dụng số tiền đầu tư từ Microsoft để cải thiện độ an toàn cho khách hàng.
Trong thỏa thuận giữa hai bên, Grab sẽ hợp tác với người khổng lồ công nghệ để phát triển các phương pháp mới nhằm xác minh khách hàng và tài xế sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt có tích hợp trí thông minh nhân tạo. Phương pháp này được cho là sẽ cải thiện được an toàn và bảo mật cho khách hàng.
Grab sẽ sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu, phát hiện gian lận, học máy, thị giác máy tính và các dịch vụ để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Hành khách sẽ có thể đặt chuyến đi trực tiếp qua ứng dụng Microsoft Outlook.
Microsoft coi trí tuệ nhân tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình và muốn tất cả mọi người đều có thể tiếp cận công nghệ này.