Chữa bệnh háo danh của người nổi tiếng

NGỌC ÁNH - GIA LINH- NGUYÊN KHÁNH |

LTS: Với sức ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ, người nổi tiếng lan tỏa, nhân lên những điều tốt đẹp; ngược lại, thói tật của họ cũng gây hệ lụy khôn lường. Bộ quy tắc ứng xử do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, cùng với việc chấn chỉnh hoạt động của người làm nghệ thuật là những nỗ lực hiện thực hóa chủ trương về “xây dựng con người có nhân cách”, xây dựng “môi trường văn hóa lành mạnh”.

Loạt bài “Chữa bệnh háo danh của người nổi tiếng” - đăng trên Tiền Phong từ số này - thêm tiếng nói để trả lại môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh; góp phần thúc đẩy, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bài 1: Chưa nổi tiếng đã tai tiếng

Dư luận lâu nay nhắc nhiều tới bệnh háo danh trong môi trường nghệ thuật. Bệnh sĩ (kịch bản Lưu Quang Vũ, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng) sau hơn 35 năm vẫn liên tục cháy vé, với hàng trăm suất diễn nhờ tính trào phúng xuất sắc, mổ xẻ thói háo danh ăn sâu, bắt rễ trong tâm tính người Việt. Trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội, nhu cầu giải trí vượt xa khả năng sáng tạo, bên cạnh bệnh sĩ còn nở rộ bệnh háo danh, dễ điểm mặt chỉ tên trong giới giải trí.

Tai tiếng đi trước danh tiếng

Tai tiếng bấy lâu nay được coi như một phần không thể thiếu của giới giải trí. Trong thời đại mà sự nổi tiếng đến sau một chương trình, vài phút lên sóng, chỉ nhờ một video lan truyền trên mạng xã hội hoặc thậm chí chỉ sau một đêm “làm trò lố”... nhiều người trẻ tài năng có hạn lại coi tai tiếng là công cụ tiến thân. Nghệ sĩ gạo cội như “lúa chín biết cúi đầu”, ngược lại một bộ phận người trẻ lại thích nống tên tuổi bằng mọi giá.

Chữa bệnh háo danh của người nổi tiếng - Ảnh 1.

Cát Phượng bị tố dàn dựng chiêu trò để quảng bá phim.

Cao Thái Sơn là cái tên luôn đi kèm những vụ ồn ào trong giới giải trí. Năm 2013, anh này thường xuyên được nhắc tới do lùm xùm tình - tiền với bạn trai Việt kiều Mỹ. Sau đó, nam ca sĩ dùng chuyện tình cảm với Quế Vân, Hồng Quế để chứng minh giới tính thật. Sợ khán giả lãng quên, anh lên mạng khoe mình được fan cuồng tặng xế tiền tỷ, rồi thông báo trả lại món quà đắt giá. Không lâu sau, Cao Thái Sơn bóng gió chuẩn bị thực hiện ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Kết quả phẫu thuật chưa thấy, chỉ thấy anh này liên tiếp khoe ảnh hở hang ở bể bơi, trong phòng ngủ.

Dường như khoe thân, lợi dụng chuyện tình ái là công thức chung cho nhiều người muốn nổi danh, “nuôi danh” trên mạng xã hội. Năm 2018, Phan Ngọc Luân là cái tên khá mờ nhạt trong làng nhạc. Nam ca sĩ tham gia cuộc thi Giọng hát Việt năm 2012, sau đó không có thêm sản phẩm âm nhạc để công chúng nhớ đến. Cuối năm 2018, anh này tung ra MV âm nhạc chủ động tiết lộ về mối quan hệ tình cảm với Đàm Vĩnh Hưng để gây chú ý. Không chỉ dừng ở việc kể lể về mối quan hệ đồng giới, Phan Ngọc Luân vô tư nói về “chuyện giường chiếu” với Đàm Vĩnh Hưng.

“Có những lúc tôi và anh Hưng đụng chạm cơ thể nhau, cảm giác khác với những người đàn ông khác….”, nam ca sĩ khoe khoang. Phan Ngọc Luân không ngại chia sẻ chi tiết nhạy cảm như “hai tâm hồn và thể xác hòa cùng nhau”. Đàm Vĩnh Hưng sau đó đăng tải đoạn tin nhắn với Phan Ngọc Luân và cho rằng đàn em đang dùng chiêu trò để quảng bá sản phẩm mới.

Nữ diễn viên trẻ tay ngang An Nguy nổi lên từ mạng xã hội nhận trái đắng khi dùng hậu trường tình ái để câu kéo sự chú ý. Đầu tháng 9/2018, mạng xã hội xôn xao tin đồn An Nguy là người thứ ba xen vào mối quan hệ của Kiều Minh Tuấn và Cát Phượng, bởi cô thường xuất hiện cùng Kiều Minh Tuấn, dành cho nhau những cử chỉ thân mật sau khi đóng chung phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con.

Kịch bản không khó đoán xảy ra: Cát Phượng liên tục khẳng định mối quan hệ vẫn mặn nồng, trong khi An Nguy lại vừa khóc vừa thừa nhận có tình cảm với đàn anh, rồi tuyên bố quay lại Mỹ vì nhận ra đó là tình cảm sai trái. Đến tháng 11/2018, An Nguy công khai đoạn tin nhắn được cho là của Cát Phượng gửi cho cô để dàn dựng câu chuyện ồn ào tình cảm với Kiều Minh Tuấn. Cát Phượng khóc lóc khẳng định đó là những tin nhắn giả mạo. Phim của Kiều Minh Tuấn - An Nguy sau lùm xùm bị khán giả tẩy chay và thua lỗ gần 20 tỷ đồng.

Bất chấp để nổi tiếng

Chuyên gia truyền thông và xử lý khủng hoảng Lê Ngọc Sơn nhận định, những lùm xùm ở showbiz Việt là câu chuyện dai dẳng. Song, đó lại chẳng phải những ồn ào nhằm mục đích phát triển văn hoá nghệ thuật, mà lại là những lùm xùm cãi vã đơn thuần, khiến bức tranh tổng thể về showbiz ngày một trở nên bệ rạc hơn.

Chữa bệnh háo danh của người nổi tiếng - Ảnh 3.

Người trẻ vừa chân ướt chân ráo vào showbiz đã chọn tai tiếng để nổi tiếng, khó có chỗ đứng.

“Trong thời đại bùng nổ truyền thông cá nhân, những thông tin tiêu cực đang chiếm dụng không gian mạng một cách áp đảo. Nghệ sĩ có thêm công cụ dễ dàng để đánh bóng hình ảnh lấp lánh và màu mè hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với sự thổi phồng, phô trương, khoe mẽ… đến từ khát khao muốn thu hút sự chú ý bằng mọi giá”, anh Lê Ngọc Sơn nói.

Chuyên gia cho rằng, trong showbiz, không thiếu người gây ồn ào để tạo sự chú ý. Đó đều là những chiêu trò lố, và bất cứ nghệ sĩ nào dùng đến cách đó để được quan tâm - cũng chỉ là nhân vật xoàng xĩnh mà thôi.

Dẫu biết, nhu cầu được tôn vinh, tôn trọng là chính đáng nhưng một khi quá tay, họ sẽ rơi vào “bẫy” háo danh. TS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên khẳng định, mong muốn được tôn trọng, tung hô là một trong những nhu cầu của con người. Cá nhân có những đóng góp, hành vi phù hợp, xứng đáng được tung hô, nhận một danh hiệu nào đó là hoàn toàn hợp lý. Nghệ sĩ cũng có những nhu cầu như vậy, nhưng lại chưa phù hợp với nhu cầu xã hội.

“Người làm nghệ thuật khi có một danh xưng nào đó, hoặc được người khác ca tụng, cơ hội làm nghề của họ sẽ nhiều hơn, được biết đến nhiều hơn. Từ đó, độ nổi tiếng cũng tăng lên, quyền lợi, lợi ích cá nhân tăng theo. Tuy nhiên, nếu quá mong chờ vào một danh hiệu hoặc tự xưng danh sẽ trở thành háo danh, trở nên kệch cỡm, trò cười cho cộng đồng mạng và xã hội”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận.

Danh hiệu tự phong suy cho cùng cũng chỉ đem lại những lợi ích ngắn hạn, chóng nở sớm tàn.

Bệnh háo danh bùng phát qua mạng xã hội

Nhà nghiên cứu, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng nói rằng: Bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào cũng có hiện tượng háo danh. Ở Việt Nam, hiện tượng này dễ thấy từ văn hoá làng xã từ thói thích khoe con trâu to, bộ quần áo mới... Bệnh háo danh hiện nay phát triển theo hướng công nghiệp hoá, bùng phát trên phạm vi rộng thông qua mạng xã hội; thường thấy ở nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ lớn tuổi có kinh nghiệm thấy những danh hão là chuyện cười. Lớp trẻ muốn nổi tiếng thật nhanh nên bất chấp đi tắt đón đầu. Có chiêu trò gì thì giở ra, mục đích chính để mọi người biết đến mình. Có người không khoe mình giỏi, mà khoe có nhiều người yêu, không khoe tài nói hay mà thích nói những điều vi phạm đạo đức, văng tục. Họ làm những điều người khác không dám làm chỉ vì háo danh.

"Nghệ sĩ phải sáng tạo. Không sáng tạo coi như chết. Không nghệ sĩ nào thành tài mà không đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Giờ đây nhiều nhiều sống ảo, livestream, thích những thứ không cần thiết. Điều này tiêu diệt tài năng, nhân cách của nghệ sĩ" - TS Trần Hữu Sơn nói.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại