Chủ tọa khẳng định không ngăn cản bà Châu Thị Thu Nga khai "chạy" 30 tỉ làm ĐBQH

Hoàng Đan |

"Hội đồng xét xử nhắc như vậy để không làm mất thời gian, sau đó luật sư không hỏi chứ không phải bị cáo khai mà chủ tọa không cho khai", bà Thu nêu rõ.

Sau khi luật sư đề nghị cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga trình bày lại về lời khai đã chuyển 1,5 triệu USD (tương đương khoảng 30 tỉ đồng) để chạy vào ĐBQH thì chủ tọa phiên tòa đã ngắt lời và cho rằng, nội dung này không nằm trong phạm vi vụ án nên luật sư không hỏi làm mất thời gian.

Trao đổi với PV, thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu, chủ tọa phiên tòa, cho hay, HĐXX không ngăn cản bà Châu Thị Thu Nga khai.

Theo bà Thu, vấn đề mà luật sư hỏi đã được cơ quan điều tra tách ra rồi nên không thuộc phạm vi xét xử của vụ án này.

"Hội đồng xét xử nhắc như vậy để không làm mất thêm thời gian, sau đó luật sư không hỏi chứ không phải bị cáo khai mà chủ tọa không cho khai", bà Thu nêu rõ.

Còn luật sư Hoàng Văn Hướng (VPLS Hoàng Hưng, Hà Nội), một trong 5 người bào chữa, cũng là người hỏi vấn đề trên với cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga tại tòa cho rằng, ông không thực sự đồng ý với việc chủ tọa phiên tòa không cho luật sư hỏi và bị cáo khai về số tiền 30 tỉ "chạy" ĐBQH.

"Thực tế, việc hội đồng xét xử, chủ tọa làm như vậy là chưa đúng với quy định về hoạt động tố tụng, đặc biệt là đánh giá chứng cứ tại tòa.

Vì theo nguyên tắc đánh giá các chứng cứ tại tòa để đưa ra một quyết định chính xác về tội danh, hình phạt cho bị cáo thì các chứng cứ thu thập được phải đánh giá một cách khách quan, công khai, toàn diện.

Tuy nhiên, việc hội đồng xét xử làm như vậy thì chứng cứ đã không được đánh giá toàn diện khi mà chứng cứ này đã có trong hồ sơ rồi", luật sư Hướng nói.

Luật sư cũng nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi tôn trọng và đây là quyền của Hội đồng xét xử khi không đồng ý cho hỏi cũng như bị cáo Châu Thị Thu Nga khai về số tiền để chạy vào ĐBQH nhưng tôi vẫn thấy điều này không ổn.

Chủ tọa cũng có đưa ra lý do là sẽ chuyển, tách hành vi này để điều tra, làm rõ sang giai đoạn 2 nhưng đó là quan điểm của tòa.

Còn theo tố tụng, nếu tách vụ án thì lại phải có quyết định tách chứ không thể chỉ bằng lời nói được".

Vị luật sư cũng nhìn nhận, phiên tòa mới diễn ra ở phần thẩm vấn và tới đây, khi đến phần tranh tụng sẽ còn có nhiều quan điểm khác nên các luật sư có thể sẽ đưa trở lại vấn đề này để làm rõ.

Luật sư Phạm Công Út, nguyên là thẩm phán có gần 20 năm công tác trong ngành tòa án cũng cho rằng, việc Hội đồng xét xử không cho luật sư hỏi, bị cáo khai về khoản tiền khoảng 30 tỉ dùng để chạy ĐBQH tại phiên tòa như vậy "nhìn chung là chưa được".

"Bà Châu Thị Thu Nga có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt là gần 350 tỉ đồng và quá trình điều tra, bà Nga khai, đã chi khoảng 30 tỉ trong số tiền lừa đảo này để chạy ĐBQH thì đây là tang vật của vụ án.

Do đó, cơ quan tố tụng có trách nhiệm phải điều tra, làm rõ, thu hồi số tiền để trả lại cho nạn nhân.

Việc luật sư thẩm vấn và bà Nga mong muốn được khai rõ là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật còn việc Hội đồng xét xử không đồng ý cho khai là chưa đúng trong quá trình thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm, trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự...", luật sư Út nêu quan điểm.

Vị nguyên thẩm phán này cũng chỉ rõ: "Nếu nằm trong kết luận điều tra, cáo trạng, hồ sơ vụ án như Hội đồng xét xử nêu sẽ tách riêng thì là vấn đề khác còn số tiền, tang, tài vật này do bà Nga có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt thì vẫn phải làm rõ tại phiên tòa", luật sư Út nêu thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại