Chủ tịch Trung Quốc đến Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm chính thức Triều Tiên

Thanh Tuấn |

Ngày 20/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thủ đô Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Triều Tiên theo lời mời của Chủ tịch Kim Jong-un.

Chủ tịch Trung Quốc đến Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm chính thức Triều Tiên - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) lần đầu tiên thăm Triều Tiên. Ảnh: PBS

Theo kế hoạch, Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện sẽ lưu lại Triều Tiên trong hai ngày. Với chuyến đi này, ông Tập Cận Bình đã trở thành Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm quốc gia láng giềng Đông Bắc Á này trong vòng 14 năm qua.

Tháp tùng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong chuyến thăm này có Ngoại trưởng Vương Nghị và nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời quan chức nước này cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thảo luận với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 18/6, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tống Đào, cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Chủ tịch Kim Jong-un, đánh giá quan hệ song phương trong 70 năm qua, trao đổi quan điểm về quan hệ giữa hai nước trong kỷ nguyên mới và định hướng phát triển chủ đạo trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận tình hình và tiến triển của giải pháp chính trị trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo nguồn truyền thông Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo Triều-Trung cũng sẽ thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Chuyến thăm được dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm, không chỉ bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch nước Trung Quốc tới quốc gia láng giềng Triều Tiên trong hơn 1 thập kỷ, mà còn bởi những chuyển động chính trị-ngoại giao trong hơn 1 năm qua trên Bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc đến Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm chính thức Triều Tiên - Ảnh 2.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở thành phố Đại Liên ngày tháng 8/5/2018. Ảnh: KCNA

Một năm qua, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có 3 Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và hai lần tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vấn đề cải thiện quan hệ liên Triều, giải quyết căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng hay giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực nằm ngay cửa ngõ của Trung Quốc, đã có những tiến triển tích cực trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên đang rơi vào thế bế tắc. Do đó, giới quan sát đánh giá chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tạo ra "một cú huých" cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm nước láng giềng Triều Tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng diễn ra trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ở “hồi gay cấn” và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 6 này.

Theo các chuyên gia, cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Chủ tịch Kim Jong-un có thể coi là cách để Trung Quốc gửi thông điệp tới Tổng thống Trump rằng Washington phải chấp nhận nhượng bộ trong chiến tranh thương mại nếu muốn Bắc Kinh hỗ trợ về vấn đề Bình Nhưỡng.

Chủ tịch Trung Quốc đến Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm chính thức Triều Tiên - Ảnh 3.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Kim Jong-un trong một cuộc gặp tại Trung Quốc. Ảnh: hurriyetdailynews

Trước thềm chuyến thăm Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài viết đăng trên tờ Rodong Sinmun ngày 19/6 đã đánh giá Bình Nhưỡng đang “đi đúng hướng” trong giải quyết các vấn đề của Bán đảo Triều Tiên.

Trong bài bình luận, Chủ tịch Tập Cận Bình không hề đề cập đến đàm phán hạt nhân đang chững lại giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Bình Nhưỡng, ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ ủng hộ đề nghị của Triều Tiên đẩy mạnh quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân trong đó bước đi của Bình Nhưỡng có thể khiến Mỹ nhượng bộ về lệnh trừng phạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại