Tại hội thảo Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng thành phố Hà Nội vừa diễn ra trong ngày 25.10, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam ông Trần Ngọc Hùng cho biết bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng nhà cao tầng cũng còn nhiều tồn tại.
Ngoài ra, nhằm đánh giá thực trạng quản lý, phát triển các công trình cao tầng tại khu vực nội đô Hà Nội, đánh giá đúng mức những thành quả đạt được, những tồn tại cần được khắc phục, hội thảo được tổ chức lần này còn nhằm lắng nghe, tập hợp ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý phát triển nhà cao tầng theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng đến xây dựng Thủ đô là thành phố văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của nhân dân.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay mục tiêu giảm dân số nội đô (tính từ đường vành đai II trở vào) từ 1,2 triệu xuống còn 0.8 triệu), trong thực tế đã chứng minh quy định này hầu như không thực hiện được. Theo đó, cần phải có giải pháp hạn chế tối đa tăng dân số cơ học vào nội đô.
Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đưa ra ba giải pháp. Thứ nhất, chỉ bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án. Tốt nhất là phục vụ di dân phố cổ chứ không phải là dân phố cổ phải đi sang Long Biên, Gia Lâm còn người ngoại tỉnh lại di dân vào Trung tâm thì sẽ không thành công.
Thứ 2, khi cải tạo, xây dựng khu chung cư cũ, dự án tiểu khu đô thị cần chú trọng yêu cầu thành tiểu khu đồng bộ không chỉ là khu nhà ở như trước đây mà là nhà tổng hợp bao gồm các cửa hàng. các nhà Văn phòng, các công trình phục vụ công cộng.
Thứ 3, dành toàn bộ các khu đất khi di dời các cơ quan, nhà máy, các khu đất trống để phục vụ nhà tái định cư khi cải tạo chung cư cũ, dành quỹ đất xây thêm các công trình công cộng phục vụ xã hội nhà trẻ, mẫu giáo, cung thiếu nhi, vườn hoa, cây xanh. Không cấp phép xây thêm nhà cao tầng phục vụ nhà ở thương mại trong khu nội đô từ vành đai I trở vào.
Tại hội thảo, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng cho biết, 20 năm qua, Hà Nội đã có sự bùng nổ về số lượng nhà cao tầng. Bên cạnh những ưu điểm nổi trội, nhà cao tầng vẫn còn những bất cập trong việc xây dựng và quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, đặc biệt tại khu vực nội đô lịch sử, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến tác động lên hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông.
"Do vậy, để kiểm soát việc xây dựng và quản lý nhà cao tầng, cần đổi mới hệ thống văn bản pháp quy. Phát triển nhà ở cao tầng trong khu vực nội đô cần phải làm tốt việc bảo tồn, quy định về mật độ dân số, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao...", ông Chính nhấn mạnh.