Chia sẻ về vấn đề mua bán, sáp nhập trong bối cảnh dịch Covid-19 tại toạ đàm trực tuyến "Giữa dòng sóng dữ" của Forbes Việt Nam tối 18/5, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết đây là thời điểm "mua rẻ".
"Có những chuỗi cửa hàng xây đến 500 – 600 shop nhưng chỉ có giá 700 – 800 tỷ đồng. Thế Giới Di Động có thể xuất tiền ngay ngày mai để mua, doanh thu đang vài trăm nghìn tỷ đồng thì vài trăm tỷ có là gì đâu. Câu hỏi ở đây là có phải lúc để làm điều này hay không", ông Tài đặt vấn đề.
Ông cho biết nội bộ doanh nghiệp cũng nhiều lần thảo luận vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng lúc này nên mua vào vì đang có sẵn tiền, thậm chí, mua xong bán lại ngay đã có hiệu quả.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của Thế Giới Di Động là... "thôi". Bởi ông Tài cho rằng đây là thời điểm khó khăn, nếu lợi dụng để mua rẻ thì không ổn nên không làm.
Không thâu tóm đối thủ cạnh tranh, ông cho biết lãnh đạo công ty để mắt đến những doanh nghiệp có tính phụ trợ cho Thế Giới Di Động.
"Góc nhìn của chúng tôi không phải là đi mua người ta, mà là đi hà hơi tiếp sức. Lúc này không làm thế không chừng người ta ra đi. Việc hà hơi đúng lúc này sẽ khiến người ta trụ lại, phát triển. Chúng tôi nhìn ở góc đi đầu tư", ông nói.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Tài cho biết ở thời điểm hiện tại, nếu tìm được công ty kho vận hay vận tải "ngon lành" thì có thể đầu tư ngay từ 20 – 30%. "Đồng tiền lúc này mới là quan trọng với họ, giúp họ sống sót", ông nói và nhấn mạnh tập đoàn về sau cũng sẽ mạnh lên nhờ hoạt động này. Ông cũng lưu ý: Đây là đi đầu tư, không phải đi mua.
"Chúng tôi không có ý định M&A đối thủ cạnh tranh, vì đây là lúc người ta yếu đuối, mua như vậy thất đức quá", ông Nguyễn Đức Tài nêu rõ quan điểm.
Trả lời vấn đề này, ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch tập đoàn Thiên Long cho biết bản thân tập đoàn cũng có suy nghĩ về M&A trong mua dịch vì đây là cơ hội để mở rộng, phát triển.
Tuy nhiên, tương tự ông Tài, ông Thọ nói rằng Thiên Long là doanh nghiệp tồn tại 40 năm nay với nhiều nét văn hoá, trong đó, M&A được sử dụng như phương thức liên doanh, hợp tác.
"Không phải M&A 100% mà chỉ chia sẻ một phần nào đó để chúng tôi cộng hưởng được các nguồn lực, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ thị trường trong tương lai", ông Thọ nói.
Bình luận chung về hoạt động M&A, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính của đại học Kinh tế TP.HCM nhận định: Các cuộc khủng hoảng trong quá khứ cũng có những biểu thị tương tự.
Theo đó, khi nền kinh tế xảy ra những đổ vỡ, các tổ chức, định chế của doanh nghiệp bị phá sản, buộc lòng tái cấu trúc… sẽ là thời điểm hoạt động M&A diễn ra nhộn nhịp.
"Và như một quy trình, khi M&A nhộn nhịp sẽ khiến cho hệ thống đang tồn tại trở nên hiệu quả hơn", ông Bảo nói. Đơn cử như chia sẻ của ông Tài, nếu thành công trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp vệ tinh, Thế Giới Di Động sẽ phát triển hơn sau đó.
"Như vậy, khi M&A sôi nổi báo báo sẽ hiệu cho triển vọng kinh tế tốt hơn khi mà các tập đoàn, công ty trở nên hiệu quả, đa dạng hóa tốt hơn", ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo kết luận.