Tỉ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của nhiều địa phương giảm
Phát biểu trước Quốc hội về tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, giải quyết vấn đề giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, giữa các địa phương với nhau.
Mặc dù đã có ưu tiên cao nhưng sau khi tính toán chi theo định mức phân bổ và dự kiến giao dự toán thu nội địa đang trình Quốc hội, năm 2017 có 10/13 địa phương có tỉ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương giai đoạn 2011-2016 giảm lớn, có địa phương giảm 20-30% so với giai đoạn 2011-2016.
Do nguồn lực có hạn, nên trong dự toán ngân sách Nhà nước 2017, Chính phủ trình Quốc hội dành khoản 14.450 tỉ đồng hỗ trợ thêm cho các địa phương để tỉ lệ điều tiết của các địa phương không giảm quá lớn.
Trong đó phân bổ 10.000 tỉ đồng cho chi đầu tư phát triển, 4.450 tỉ đồng cho chi thường xuyên.
Với dự toán thu và dự kiến nhu cầu chi ngân sách địa phương thì tỉ lệ điều tiết của TP. HCM là 17%, giảm 6% so với 2011-2016, Hà Nội là 42% xuống 32% giảm 10%, Hải Phòng từ 88% xuống 67%, giảm 21%, Đà Nẵng 85% xuống 55%, giảm 30%,...
"Để TP Hồ Chí Minh có thêm nguồn lực, Chính phủ phân bổ thêm cho thành phố 1.823 tỉ đồng, trong đó 1.447 cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên 376 tỉ, theo đó dự toán chi cân đối của ngân sách TP là 60.369 tỉ đồng, tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương nâng lên thành 18%.
Với tỉ lệ này, mức chi theo đầu dân năm 2017 của TP. HCM cao hơn các mức bình quân các vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quốc hội.
Bộ trưởng cũng bày tỏ rất chia sẻ với TP. Hồ Chí Minh việc tỉ lệ điều tiết giảm vì sẽ ảnh hưởng cân đối nguồn lực thành phố vì vậy khi xây dựng cơ chế cũng như cân đối ngân sách Nhà nước đều tạo điều kiện cho thành phố.
Hai lần xin tranh luận về ngân sách
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đứng lên 2 lần để xin tranh luận thêm với Bộ trưởng Tài chính sau một lần phát biểu vào trước đó.
Theo bà Tâm, TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ bàn lùi, một khi Quốc hội đã quyết, Chính phủ đã quyết thì TP quyết tâm tìm giải pháp để thực hiện.
"Tuy nhiên sau phần giải trình của Bộ trưởng, có thể nhân dân và Quốc hội sẽ hiểu không đúng về ý chí của TP. HCM", bà Tâm nói.
Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh cho rằng địa phương nào cũng nhận được kinh phí bổ sung của Chính phủ và điều này là cần thiết, nhất là những địa phương khó khăn.
"Chúng tôi chỉ muốn ở đây, nếu có điều kiện thì Chính phủ có thể xem xét và Quốc hội xem xét tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh có thể làm ra của cải nhiều hơn để đóng góp cho đất nước nhiều hơn.
Chúng tôi chỉ có ý muốn như vậy, chứ không xin Quốc hội, Chính phủ tiền để chi tiêu về bộ máy hoặc chi tiêu thường xuyên", bà Tâm khẳng định.
Bà Tâm cũng thông tin thêm để mọi người hiểu vì sao thành phố lại đang rơi vào nhiều "điểm nghẽn" như hiện nay.
"Một là kẹt xe, hai là ngập nước, ba là ô nhiễm môi trường. Giáo dục thì trên 50 học sinh/lớp.
Vì sao nó nghẽn như thế, vì do nhiều năm chúng ta đầu tư không thỏa đáng. Có thể có tận thu hay không thì đặt ra một câu hỏi chúng ta cùng bàn, cùng giải quyết.
Nên tôi muốn trao đổi thêm như vậy, chứ nếu đã trình bày rõ ràng rồi mà Quốc hội thấy rằng quyết như thế là hợp lý và thỏa đáng và Chính phủ thấy rằng cần phải có sự chia sẻ từ TP Hồ Chí Minh thì thưa với Quốc hội chưa bao giờ chúng tôi bàn lùi.
Mà chúng tôi chỉ có một ý chí đảm bảo, hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu của Chính phủ và Quốc hội giao", bà Tâm nêu.
Sau phần phát biểu của bà Quyết Tâm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng rất chia sẻ với TP. HCM.
"Trong điều kiện hiện nay chúng tôi cũng hiểu địa phương TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác như con gà đẻ trứng vàng.
Rất muốn có nguồn lực tốt hơn để thành phố phát triển tốt hơn, tốc độ cao hơn, lan tỏa ra xung quanh, nguồn thu tốt hơn cho ngân sách. Ý nghĩa con gà đẻ trứng vàng không phải chúng tôi không biết mà ngay trong quá trình làm phải tranh luận rất kỹ.
Một lần nữa chúng tôi đề nghị với Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cũng như nhân dân thành phố chia sẻ với Trung ương, với Chính phủ, Bộ Tài chính.
Trong điều kiện hiện nay sự công bằng tuyệt đối không làm được nhưng tương đối chia sẻ với nhau như báo cáo của chúng tôi.
Chúng ta hỗ trợ giữa địa phương nọ với địa phương kia trong điều kiện trung ương trong thời gian vừa qua và thời gian tới rất khó khăn khi các khoản thu về trung ương đặc biệt là xuất nhập khẩu, đặc biệt là dầu thô", Bộ trưởng nói.