"Tôi vẫn cảm nhận là là trước mỗi đề xuất đều phải “tranh thủ riêng”, tranh thủ ngoài lề, hoặc tiếp cận khía cạnh này, khía cạnh khác”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê
Ông Phan Nguyễn Như Khuê nói ông cảm nhận một vài cơ quan trung ương có sự trù trừ, tạo ra những điểm nghẽn trong sự vận hành những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
* Như vậy là đã từng có tiền lệ, những chỉ đạo của Chính phủ với TP.HCM bị “nghẽn” ở đâu đó?
- Đã từng có việc như vậy. Đơn cử là mới đây, trong cuộc họp với Thủ tướng, TP.HCM kiến nghị về vấn đề chung cư xuống cấp, xin thực hiện phân cấp trở lại cho các quận huyện vì tất cả đổ dồn về trên thì quá tải. Thứ hai là chỉ định thầu để nhanh chóng cải tạo.
Trong cuộc họp đó, Thủ tướng rất ủng hộ, rất đồng tình về những giải pháp quyết liệt của TP.HCM nhưng văn bản kết luận do văn phòng Chính phủ phát hành thì lại không đề cập những nội dung đó.
Như vậy không có đầy đủ cơ sở pháp lý để Thành ủy và UBND TP chỉ đạo triển khai cho các đơn vị theo tinh thần Thủ tướng chỉ đạo, tạo ra khoảng cách giữa kết luận của Thủ tướng và văn bản chỉ đạo.
* Trở lại vấn đề ngân sách để lại cho TP.HCM đang thu hút sự quan tâm của dư luận, ông có thấy sự lởn vởn cơ chế xin cho mà ông vừa nêu?
- Việc cắt giảm số thu ngân sách mà trung ương để lại cho TP.HCM đã đặt TP.HCM trong một trạng thái rất khó khăn.
TP.HCM muốn chăm lo cho tất cả đồng bào ở TP bình đẳng như nhau, bất kể là thường trú hay tạm trú. Tất cả họ đều đang đóng góp cho TP và TP có trách nhiệm chăm lo an sinh xã hội ở mức đầy đủ nhất, xứng đáng là TP đáng sống, bền vững.
Do đó, nguồn ngân sách để lại là phần quan trọng để TP chủ động và mạnh dạn đột phá. TP rất chia sẻ với sự khó khăn của ngân sách quốc gia. Nhưng việc giảm từ 23% xuống 18% tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại là quá căng thẳng với TP.
Qua những ý kiến của cơ quan chức năng trung ương tiếp xúc với TP.HCM, tôi thấy chúng ta chưa đoạn tuyệt hẳn hoi cái gọi là cơ chế xin cho. Tôi vẫn cảm nhận là là trước mỗi đề xuất đều phải "tranh thủ riêng", tranh thủ ngoài lề, hoặc tiếp cận khía cạnh này, khía cạnh khác.
Các sở ngành TP.HCM rất ngán ngại chuyện này. Do đó tôi nghĩ một Chính phủ minh bạch, liêm chính, kiến tạo thì chúng ta phải mạnh dạn xử lý những vấn đề còn lởn vởn này. Việc đó đã vô tình tạo ra những điểm nghẽn trong vận hành quan điểm của chính phủ, làm cho chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bị vướng lại.
* Cơ chế xin, sự trù trừ, sự tranh thủ ngoài lề đó, theo ông nhằm mục đích gì?
- Tôi nghĩ đó là chuyện của cá nhân chứ không phải là quan điểm của Chính phủ. Tôi rất tin tưởng vào Chính phủ nhưng có vài tổ công tác hoặc một vài thành viên nào đó đã tạo ra độ vênh dẫn tới thực hiện chưa đầy đủ chủ trương quan điểm của Chính phủ, Bộ Chính trị.
* Nhưng điều đó lại làm ảnh hưởng chính sách, sự phát triển của một TP lớn? Theo ông phải có biện pháp gì?
- Đúng là đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cả TP.HCM. TP không phải chỉ nhìn thấy phía mình mà luôn tính đến sự cân đối trong cả khu vực. Do đó, về chuyện cắt giảm ngân sách này TP.HCM sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Chính trị.
Không lý nào mà từ các nghị quyết của Bộ Chính trị đều xác định vị trí đặc biệt của TP.HCM, khẳng định sẽ dành nhiều cơ chế, nguồn lực nhưng khi ra thực tế điều hành thì lại có khoảng cách so với nghị quyết.
Tôi rất mong được Chính phủ, quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm. Một đồng tiền ngân sách đều là tiền của dân, do đó cần đầu tư đúng chỗ để chính nó tạo ra nguồn lực mới góp phần cho cái chung. Đây không phải là việc xem tỉnh này nhẹ, tỉnh kia nặng, mà phải nhấn vào ưu thế vốn có để địa phương đó tự cởi trói, bật lên và tạo sự lan tỏa.
* Xin cảm ơn ông!