Chủ tịch G20 Indonesia thể hiện thái độ trung lập trong bối cảnh xung đột Nga

Hương Trà |

Hội nghị G20 không phải là cuộc thảo luận về khủng hoảng Ukraina mà nhằm gia tăng hợp tác về kinh tế.

Trước thông tin xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) tại Bali vào tháng 10 tới và Ukraine kêu gọi Indonesia từ chối sự tham dự này, Indonesia trong vai trò Chủ tịch G20 đã khẳng định thái độ trung lập, khách quan.

Trong cuộc họp báo ngày 24/3, Chính phủ Indonesia thông qua Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Trong vai trò Chủ tịch luân phiên, Indonesia sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 một cách trung lập và khách quan.

Tham mưu đặc biệt của Bộ Ngoại giao Indonesia về Tăng cường các Chương trình Ưu tiên G20, Dian Triansyah Djani cho biết, Indonesia đang thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là Chủ tịch G20 dựa trên các quy tắc và thủ tục giống các nhiệm kỳ Chủ tịch trước đó, bao gồm việc mời tất cả các thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh. Do đó vào ngày 22/2, Indonesia đã gửi lời mời tất cả các thành viên, trong đó có Nga đến tham dự Hội nghị trực tiếp tại Bali.

Ông Dian cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 được tổ chức nhằm tập trung vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu, vốn là ưu tiên của thế giới ngày nay. Nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, vẫn đang gặp khó khăn về kinh tế và khó đạt được các mục tiêu như mong đợi.

Thái độ trung lập của Indonesia được đưa ra sau khi Đại sứ quán Nga tại Indonesia xác nhận, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên kế hoạch tham dự G20 lần này theo lời mời của Indonesia nếu tình hình trở nên tốt hơn, bao gồm cả đại dịch Covid-19.

Trong buổi họp báo tại thủ đô Jakarta tuần qua, Đại sứ Nga tại Indonesia, Lyudmila Vobieva cho rằng, Hội nghị G20 không phải là cuộc thảo luận về khủng hoảng Ukraina mà nhằm gia tăng hợp tác về kinh tế. Nga đã tham gia nhiều cuộc họp khác nhau cả trực tuyến và trực tiếp và bày tỏ sự ủng hộ nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”.

Trong khi đó, Đại sứ quán Ukraina tại Jakarta phản đối “sự xuất hiện của Tổng thống Nga tại các diễn đàn, hội nghị thượng đỉnh đa phương, quốc tế”. Đại sứ Ukraine tại Indonesia, Vasyl Hamianin kêu gọi “tất cả các nền dân chủ góp phần chấm dứt tội ác chiến tranh của Nga đối với Ukraine.”

Các chuyên gia, học giả Indonesia cho rằng, Indonesia có thể tận dụng G20 để đóng vai trò hòa giải giữa hai bên. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật Indonesia, Bhima Yudhistira đề xuất Tổng thống Joko Widodo có nhiệm vụ quan trọng là xoa dịu các bên xung đột bằng cách đề cập đến tác động kinh tế toàn cầu do chiến tranh gây ra vào thời điểm nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các nước nghèo và đang phát triển trong đó có Indonesia sẽ chịu tác động kinh tế nếu Nga tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Indonesia đã bắt đầu vai trò Chủ tịch G20 vào tháng 12/2021 và sẽ kết thúc vào tháng 11/2022. Trên cương vị Chủ tịch G20, Indonesia sẽ tập trung vào 3 ưu tiên chiến lược là: sức khỏe toàn cầu, chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng bền vững./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại