Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Làm hàng không chúng tôi không làm từ nhỏ đến lớn, mà làm lớn, làm chu đáo luôn!

Lam Thiên - Đỗ Linh |

Giống như người đồng sự giữ ghế CEO ở Bamboo Airways, ông chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho rằng mình không mạo hiểm khi đầu tư hãng bay, và nếu ông không thành công, thì chẳng có hãng nào thành công được.

Một máy bay đi chặng Hà Nội – Sài Gòn, các hãng lãi 1,5 triệu USD mỗi tháng

Để nói về cơ chế chính sách cho hàng không phát triển và giảm ách tắc, tôi có rất nhiều điều muốn nói, nhưng thời gian không cho phép. Tôi không phải chuyên gia, cũng không phải giảng viên.

Theo tôi, số lượng cảng hàng không giờ đã rất đủ rồi, nhưng cơ quan quản lý đang bỏ ngỏ việc phân luồng hàng không. Nếu như có sự phân luồng (như có cảnh sát hàng không) thì cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ không bị tắc. Điều này tôi chưa từng chia sẻ với ai, mà chỉ nghĩ thôi.

Nếu phân luồng thì phải tạo ra cơ chế chính sách, thậm chí cưỡng chế các hãng phải bay các chuyến ngách đến các địa điểm trung gian để giảm bớt áp lực cho hai đầu Hà Nội – Sài Gòn. Ví như khách từ miền trung muốn đến miền Tây thì phải đi qua sân bay Tân Sơn Nhất. Điều đó đã khiến cơ sở hạ tầng ở đây chịu áp lực lớn.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Làm hàng không chúng tôi không làm từ nhỏ đến lớn, mà làm lớn, làm chu đáo luôn! - Ảnh 1.

Một nguyên nhân nữa là các hãng hàng không hiện nay chỉ chọn các đường bay vàng (thuận lợi, siêu lợi nhuận) để khai thác, như Hà Nội – Sài Gòn. Tính toán trung bình, một vé khứ hồi của các hãng bay hiện tại có giá khoảng 5,4 triệu đồng.

Một máy bay chúng tôi chuẩn bị thuê là 400.000 USD - 500.000 USD/tháng (tức khoảng 10 tỷ đồng), chỉ cần mang về là bay, không cần thêm gì nữa. Mỗi máy bay phải bay đủ 3 chặng khứ hồi một ngày, với 200 chỗ, doanh thu sẽ ở mức 1,1 tỷ đồng/chuyến. Như vậy, một tháng thu khoảng 99 tỷ đồng. Cứ cho là máy bay chỉ được lấp đầy 70% chỗ ngồi, thì doanh thu sẽ vào khoảng 66 tỷ đồng.

Về chi phí, chỉ có 10 tỷ đồng tiền thuê máy bay, khoảng 1 triệu USD tiền xăng dầu, tức thêm 23 tỷ đồng/tháng. Cộng thêm các chi phí khác cho hệ thống vào khoảng 6 triệu, mức chi 1 tháng cho 1 chiếc máy bay là khoảng 40 tỷ đồng. Lấy doanh thu trừ đi chi phí, mỗi chiếc máy bay đi chặng bay vàng Bắc – Nam này thu lãi từ 1 đến 1,5 triệu USD. Ngay cả khi phải gồng gánh lỗ cho các chặng không hiệu quả, các hãng hàng không hiện nay cũng thu đủ với các chặng bay vàng này, là là lý do khiến họ chỉ thích khai thác đường bay kiểu này.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Làm hàng không chúng tôi không làm từ nhỏ đến lớn, mà làm lớn, làm chu đáo luôn! - Ảnh 2.

Bài toán này tương tự với chặng bay đến Đà Nẵng hay Quy Nhơn từ hai đầu đất nước. Điều bất hợp lý nữa là khi bay đến Quy Nhơn, giá vé khứ hồi luôn ở mức 6 triệu. Không có lý do nào giải thích được việc bay Quy Nhơn lại đắt hơn bay đến Sài Gòn.

Cách đây 2 năm tôi đề nghị các hãng bay Thanh Hóa đi Quy Nhơn, nếu lỗ tỉnh bù, nhưng hai hãng hàng không lớn đều nói họ không làm được bởi thiếu máy bay, thiếu người bay. Khi ấy, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Định có làm công văn bù đắp số lỗ này, chứ không có tiền thực tế, tôi cũng tin đúng rằng tỉnh không có ngân sách để chi có trường hợp này nên FLC làm công văn đề nghị bù đắp nhưng vẫn không được đáp ứng.

Tại Quy Nhơn, trước khi FLC vào đầu tư năm 2014, chỉ có 3 chuyến bay 1 ngày, giờ là 15 chuyến và có ngày lên đến 20 chuyến. Đầu tư bài bản, lượng khách đến với Bình Định đã trở nên rất là lớn. Như ông Ngô Trí Long có nói, du lịch với hàng không như đôi bạn song sinh, với câu chuyện tôi kể như vậy, có thể coi như minh chứng sinh động cho những gì các chuyên gia đã nói.

Chúng tôi mà không thành công thì các hãng khác sẽ không thành công được

Chúng tôi có ý định đầu tư cảng hàng không, nhưng trong một cuộc họp quan trọng có mặt FLC, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Bộ Giao thông vận tải, doanh nghiệp được thông tin rằng đơn vị đã đầu tư hãng thì không được đầu tư cảng. Vậy nên chúng tôi không thể làm được. Nếu chính sách có điều chỉnh, cơ chế phù hợp thì chúng tôi sẽ đầu tư.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Làm hàng không chúng tôi không làm từ nhỏ đến lớn, mà làm lớn, làm chu đáo luôn! - Ảnh 3.

Với chủ trương của Chính phủ, hãng bay Bamboo Airways đã được cấp phép thành lập, nhưng để bay được thì phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt. Các thủ tục này chúng tôi đang làm việc trực tiếp với Cục hàng không Việt Nam, vì là loại hình kinh doanh có điều kiện nên các nội dung như số lượng nhân lực, bay bao nhiêu máy bay, bay chặng nào, bao giờ bay… đều phải liệt kê rất chi tiết. Sự chuẩn bị này sẽ phải mất vài tháng, nhanh nhất đến tháng 10 sẽ xong

Về các hợp đồng máy bay, Bamboo Airways đã ký hợp đồng với Airbus vào tháng 3, với Boeing vào tháng 6. Hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đã ký xong hợp đồng với chúng tôi, và Bamboo Airways cũng đã chuyển tiền. Theo kế hoạch, chiếc máy bay đầu tiên sẽ được bàn giao vào tháng 1/2020, thâm chí sớm hơn nếu điều kiện cho phép. Airbus thì sẽ bắt đầu từ năm 2021.

Kế hoạch bay này chúng tôi đã chuẩn bị trong vòng 4 năm, nhưng 2 năm gần đâu nhất chúng tôi đã có những động thái quyết liệt hơn về nhân sự, tài chính cũng như cơ sở hạ tầng.

Mọi người hỏi chúng tôi có mạo hiểm không? Không, vì chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ, tìm ra cách đi riêng, đường hướng riêng. Với hạ tầng chuẩn bị như vậy (khách sạn, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí), FLC đã và đang mang lại thuận lợi cho các hãng hàng không khác, thì không có lý do gì điều đó lại không mang lại thuận lợi cho Bamboo Airways cả.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Làm hàng không chúng tôi không làm từ nhỏ đến lớn, mà làm lớn, làm chu đáo luôn! - Ảnh 4.

Chúng tôi ở một điểm rất khác so với các hãng bay khác. Trước đó, các hãng mới ra đời chết yểu chỉ bay một vài ba cái, nhưng chúng tôi sẽ bay 20 chiếc (cả thuê khô, thuê ướt). Làm hàng không chúng tôi không làm từ nhỏ đến lớn, mà chuẩn bị rất chu đáo. Nếu chỉ bay với số lượng như các hãng kia, chắc chúng tôi cũng sẽ chết yểu như họ thôi.

Theo kế hoạch, năm 2019, FLC sẽ đưa về Việt Nam 20-30 chiếc máy bay nữa, để du khách và người dân khi đặt vé của Bamboo Airways sẽ không bao giờ lo không có thiếu vé, thiếu máy bay. Chúng tôi mà không thành công thì các hãng khác sẽ không thành công được!

Bamboo Airways là hãng 5 sao, nhưng giá vé chưa chắc đã đến 1 sao

Hiện tại, FLC có khoảng 10.000 nhân viên, đến đầu năm tới, sẽ tăng thêm 5.000-6.000 người nữa để đáp ứng nhu cầu của 3.500 phòng khách sạn tăng thêm ở Hạ Long và Quy Nhơn. Tôi là luật sư nhưng việc quản trị ở FLC đến giờ vẫn rất tốt, và chúng tôi tin mình sẽ vẫn làm tốt.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Làm hàng không chúng tôi không làm từ nhỏ đến lớn, mà làm lớn, làm chu đáo luôn! - Ảnh 5.

Riêng Bamboo Airways có chủ trương tuyển 600 nhân sự, hiện tại đã tìm được một nửa, với điều kiện tiên quyết là phải nói được cả tiếng Việt và tiếng Anh, vì các cuộc họp giao ban ở hãng sẽ chỉ được thực hiện bằng tiếng Anh. Ở đây, chúng tôi chỉ tuyển tiếp viên trưởng, tiếp viên phó là người nước ngoài, có kinh nghiệm ở các hãng 5 sao trên thế giới.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Làm hàng không chúng tôi không làm từ nhỏ đến lớn, mà làm lớn, làm chu đáo luôn! - Ảnh 6.

Chúng tôi là hãng 5 sao, nhưng giá vé chưa chắc đã đến 1 sao, vì như chặng bay bay từ Sài Gòn –Thanh Hoá, chúng tôi chỉ lấy tiền phòng, không lấy tiền vé.

Bamboo Airways ra đời thì quản trị của chúng tôi phải sánh với các hãng nước ngoài chứ không phải trong nước. Tôi tin tưởng 100%!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại