Trả lời báo Trí thức trẻ sau khi ký hợp đồng mua tiếp 10 máy bay 787-9 Dreamliner của Boeing dưới sự chứng kiến của 2 nguyên thủ Việt - Mỹ, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC (công ty sở hữu Bamboo Airways) nói: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định tầm nhìn phải vượt ra khỏi khu vực và khẳng định trên thế giới”.
Mới bay nhưng Bamboo Airways đã quyết định mua thêm 10 máy bay thân rộng với số tiền gần 3 tỷ USD. Ông có tính toán gì với số máy bay mới?
- Việc cất cánh được triển khai sau khi chúng tôi đã nghiên cứu thị trường rất kỹ.
Thời gian qua, khi Bamboo Airways đi vào hoạt động, chúng tôi nhận thấy số lượng máy bay không đáp ứng được nhu cầu vận tải trong khi nhu cầu của ngành hàng không Việt Nam lớn, quá lớn. Các chuyến bay của Bamboo Airways theo tuyến Hà Nội – Quy Nhơn; Hà Nội – Sài Gòn hay Sài Gòn – Quy Nhơn… đều trong tình trạng đông nghẹt khách, không đủ sức phục vụ.
Nhiều hãng bay đã có thâm niên, với lợi nhuận hằng năm hàng nghìn tỷ vẫn e dè với kế hoạch bay đến Mỹ và cũng chưa mạnh tay mua nhiều máy bay thân rộng. Vì sao Bamboo Airways lại làm khác?
Dựa vào nhu cầu đưa khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách Việt Nam đi quốc tế, chúng tôi đặt mua các loại máy bay thân rộng để khai thác thị trường thôi. Chúng thực sự cần thiết với những chuyến bay đi châu Âu hay đi Mỹ bởi chỉ máy bay thân rộng mới đáp ứng được yêu cầu.
Ông tự tin bao nhiêu phần trăm vào quyết định này?
Tôi tự tin 100%.
Vì sao FLC lại lựa chọn việc bay tới Mỹ khi mới bay không lâu?
Đó là nhu cầu lớn của ngành hàng không, cả trong nước và quốc tế. Việc FLC khai thác các đường bay và đánh thêm vào các thị trường ngách cũng sẽ mang lại hiệu quả.
Nó cũng giống như chúng tôi đi sau trong lĩnh vực bất động sản nhưng đánh vào thị trường ngách vẫn giúp chúng tôi xây dựng vị thế hàng đầu. Trong ngành hàng không, chúng tôi tập trung nghiên cứu và khai thác các thị trường ngách.
FLC sử dụng nguồn tiền ở đâu để mua thêm 10 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner trong khi đã ký hợp đồng mua 20 chiếc trước đó?
Chúng tôi sử dụng nguồn vốn tự có. Ngoài ra, các tổ chức và định chế tài chính cũng sẵn sàng tài trợ tới 80% kinh phí mua máy bay Boeing.
Ký kết hợp đồng với Boeing lần thứ 2 cũng vào đúng thời điểm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Việt Nam, ông có ý định triển khai dự án kinh doanh gì với thị trường Mỹ không?
Hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn tràn ngập tiềm năng, chưa khai thác hết. Chính vì thế, tôi chưa có ý định đầu tư bất động sản ở nước ngoài.
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội mà hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đem đến cho kinh tế Việt Nam?
Là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ mang đến cho Việt Nam những cơ hội vô cùng lớn. Việt Nam sẽ chứng kiến tăng trưởng GDP mạnh hơn trong năm nay, với con số có thể từ 0,3 đến 0,5% cộng thêm nhờ cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Hội nghị sẽ tạo ra những hiệu quả tức thì trong việc thu hút khách du lịch. Hiện tại mới chỉ là những tháng đầu năm mới nên sự lan tỏa này sẽ kéo dài tới 10 tháng còn lại trong năm.
Ngành du lịch và dịch vụ sẽ đón nhận những hiệu quả tức thì. Việc GDP tăng thêm 0,3 đến 0,5% sẽ nói nên tất cả. Nó sẽ còn tiếp tục trong các năm tiếp theo, với không chỉ du lịch, dịch vụ mà còn nhiều ngành khác nữa.
Chúng tôi chỉ có đối tác chiến lược là Boeing. Họ ủng hộ để chúng tôi bứt phá, trong đó có hỗ trợ chúng tôi có thể đường bay đến Mỹ trong cuối năm 2019, đầu năm 2020. Ngay từ thời điểm đến nhà máy sản xuất của Boeing ở Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đã đề nghị họ làm điều này.
Một hãng bay mới ra đời nhưng đã ký hợp đồng mua tới 30 máy bay thân rộng của Boeing. Ông có tham vọng gì với Bamboo khi làm điều đó?
Chúng tôi tham vọng sẽ đưa Bamboo Airways trở thành hàng hàng không 5 sao của thế giới. Ngay khi đặt tên hãng là Bamboo Airways, chúng tôi đã xác định tầm nhìn phải vượt ra khỏi khu vực và khẳng định trên thế giới.
Ông đặt kế hoạch mất bao nhiêu thời gian để trở thành một hãng bay 5 sao?
Chúng tôi đặt kỳ vọng sẽ trở thành hãng hàng không 5 sao của thế giới sau 3-5 năm bay.
Trí Thức Trẻ