Chủ tịch F-soft Hoàng Nam Tiến: Gia công phần mềm cũng chẳng khác gì công nhân may, vì cứ cái gì làm ra tiền là được

Vượng Lê |

F-soft có 4 điều để khoe với dư luận theo như lời của vị Chủ tịch Hoàng Nam Tiến: Giá trị xuất khẩu cao nhất, giá trị gia tăng cao nhất và thị trường lớn nhất. Không có ngành xuất khẩu nào của Việt Nam như gia công phần mềm đạt được điều này.

Hôm nay, 'bữa tiệc thường niên' của Bộ Công Thương mang tên Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 đã có sự quy tụ của nhiều doanh nghiệp Việt đang làm xuất khẩu đến tham gia.

FPT, với đại diện FPT Software (tên thường gọi là F-soft) được mời đến tDiễn đàn như là một công ty hàng đầu trong ngành xuất khẩu và gia công phần mềm tại Việt Nam.

Ở phần tọa đàm, Chủ tịch đương nhiệm F-soft Hoàng Nam Tiến đã kể lại câu chuyện làm gia công phần mềm tại F-soft mà ông cho là 'đáng để khoe' với dư luận - những điều mà các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam chưa thể có được.

Từ trước đến nay, mảng gia công phần mềm của F-soft dù mang lại nhiều tiền của nhưng vẫn bị nhiều nhà đầu tư xem là chỉ là mảng mà FPT đi 'làm thuê', những kỹ sư đi gia công phần mềm cũng có thể xem tương tự như các nhân công gia công ở những ngành xuất khẩu khác của Việt Nam như dệt may, da giày...

Nói về điều này, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ thẳng thắn: "Có người bảo gia công phần mềm chẳng khác gì công nhân may, tôi thấy cũng hợp lý vì cứ cái gì làm ra tiền là được".

Để minh chứng điều này, ông Tiến "khoe" với mọi người 4 điểm đặc biệt trong lĩnh vực gia công phần mềm tại F-soft. Theo ông, gia công phần mềm là một ngành xuất khẩu đầy tiềm năng mà Việt Nam với những lợi thế của mình thì hoàn toàn có thể vang danh trên thế giới.

Thứ nhất, F-soft có giá trị xuất khẩu/người cao nhất trong các ngành xuất khẩu Việt Nam (không tính các ngành xuất khẩu dầu hoặc than đá).

Ông Tiến chia sẻ: "Tôi xin khoe luôn là trung bình mỗi một công nhân xuất khẩu phần mềm của chúng tôi cuối năm ngoái làm ra đâu đó khoảng 550 triệu USD...".

"Nếu so với các ngành xuất khẩu khác của chúng ta, trừ ngành xuất khẩu dầu hoặc than đá, thì chúng tôi có giá trị xuất khầu trên đầu người là cao nhất".

Thứ hai, F-soft xuất khẩu hàng có tỷ lệ 'Việt Nam hóa' cao nhất so với các hàng xuất khẩu khác.

Đóng góp của Việt Nam vào chuỗi cung ứng quốc tế từ lâu đã luôn là một vấn đề lớn với xuất khẩu của nước ta. Ví dụ như với một sản phẩm áo sơ mi, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp được vào đó chiếc nút áo, hay với một chiếc điện thoại, các doanh nghiệp Việt 'còn không đóng góp nổi một chiếc ốc vít' - theo như lời đại diện của Samsung từng nói.

Tuy nhiên, ở điểm này, ông Hoàng Nam Tiến lại hoàn toàn tự tin: Tỷ lệ 'Việt Nam hóa' của sản phẩm phần mềm gia công tại F-soft lên đến 84 - 86%.

"Điều đáng để khoe nhiều hơn nữa là giá trị gia tăng. Nếu chúng ta xuất khẩu hơn 30 tỷ USD tiền điện thoại thì để làm ra 30 tỷ đó thì chắc nhập khẩu cũng phải 25 tỷ USD. Phần giá trị gia tăng làm tại Việt Nam làm là rất ít.

Ngay cả ngành chúng ta làm chính là lúa gạo thì hóa ra là giá trị gia tăng của nông dân Việt Nam làm ra là chỉ có 50%, còn lại chúng ta phải nhập phân bón, nhập thuốc trừ sâu, nhập đủ thứ...", ông Tiến phân tích.

"Tuy nhiên, với gia công phần mềm của FPT, trong 100 USD xuất khẩu thì có tới 84 USD – 86 USD là do người Việt Nam làm ra. Đây là con số rất ổn nếu so với các ngành xuất khẩu khác".

Thứ ba, thị trường gia công phần mềm của F-soft đang làm là cực kỳ màu mỡ.

Thị trường gia công phần mềm quy mô thế giới mà F-soft đang tham gia, còn rất dồi dào cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

"Nếu để khoe nữa thì các anh chị đều biết là nếu chúng ta xuất khẩu lúa gạo 7 – 8 triệu USD thì ổn, còn 10 triệu USD là sẽ thừa. Như cà phê, Hiệp hội cà phê thế giới thậm chí còn đề nghị Việt Nam chặt bớt cây cà phê đi, bởi vì Việt Nam xuất khẩu cà phê nhiều quá, thế giới dùng không hết".

"Tuy nhiên, ngành phần mềm của chúng tôi lại có một điều rất đặc biệt. Thống kê 2016, thị trường gia công phần mềm mà FPT làm có giá trị lên đến 994 tỷ USD. Năm ngoái, chúng tôi làm hết sức sức cố gắng thì mới được 230 triệu USD".

"Đây là thị trường chúng tôi hay nói trong tiếng Anh là “unlimited” (không có giới hạn). Vấn đề giới hạn là năng lực của chúng ta mà thôi. Chúng tôi đánh giá 10 -15 năm nữa, thế giới sẽ thiếu rất nhiều kỹ sư phần mềm để làm".

Từ 'giá trị xuất khẩu', 'giá trị gia tăng' và 'sự sẵn sàng của thị trường' này, ông Hoàng Nam Tiến hiến kế, gia công phần mềm có thể là một hướng mà xuất khẩu Việt Nam nên tập trung trong thời gian tới.

"Đến năm 2020, F-soft đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD, trong khi năm 2016 mới đạt 230 triệu USD. Tôi dám chắc không có doanh nghiệp nào dám đặt mục tiêu tăng trưởng cao như F-soft" - ông Hoàng Nam Tiến kết thúc 7 phút nói của mình trong phần tọa đàm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại