Dựa vào tình hình để quyết định việc thông hành
Tối 11/9, trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến việc thông hành trên phạm vi toàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, địa phương hiện có các “vùng xanh” và “vùng đỏ”, do đó sẽ dựa vào tình hình thực tế theo từng giai đoạn để quyết định cho phép người, phương tiện đi lại.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, theo kế hoạch dự kiến sau ngày 20/9 sẽ cho phép lưu thông trên phạm vi toàn tỉnh . Tuy nhiên, đó chưa phải là quyết định cuối cùng mà phải dựa vào tình hình dịch bệnh thực tế địa phương.
“Bình Dương hiện có các huyện phía Bắc thuộc “vùng xanh”. Tuy nhiên, quanh “vùng xanh” lại có địa phương thuộc “vùng vàng” và “vùng đỏ”.
Do đó, việc cho phép người và phương tiện lưu thông liên huyện phải dựa vào tình hình dịch bệnh ở các “vùng vàng”, “vùng đỏ” để có quyết định phù hợp. Việc thông hành toàn tỉnh sau 20/9 chưa phải là quyết định cuối cùng”, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói.
Kế hoạch sau 20/9 người và phương tiện được thông hành toàn tỉnh Bình Dương chỉ được thực hiện khi các địa phương đều thuộc "vùng xanh"
Cũng theo ông Minh, trước mắt là quản lý thật tốt việc giãn cách và khóa chặt “vùng đỏ”, “điểm đỏ”, xét nghiệm thần tốc hơn nữa để nhanh chóng phát hiện, tách nguồn lây F0 ra khỏi cộng đồng.
Thực hiện lộ trình nới lỏng giãn cách “vùng xanh” (từ ngày 10/9 đến 15/9 cho lưu thông trong phạm vi phường, xã; sau 15/9 cho lưu thông trong phạm vi liên huyện, thị, thành phố nhưng chỉ áp dụng cho các địa phương, khu vực thuộc “vùng xanh”.
Bình Dương hiện có các địa phương “vùng xanh” gồm: TP Thủ Dầu Một, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng.
Tuy nhiên, ở khu vực phía Bắc của tỉnh này hiện còn TX Bến Cát thuộc “vùng vàng”, trong khi địa phận lại nằm giữa các địa phương “vùng xanh”. Do đó, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương việc thông hành liên huyện chỉ được áp dụng khi TX Bến Cát trở thành “vùng xanh”.
Các địa phương phía Nam của tỉnh Bình Dương gồm: TP Thuận An, TP Dĩ An và TX Tân Uyên là các “vùng đỏ”. Do đó, việc thông hành ở Bình Dương đang trên nguyên tắc giữ ''vùng xanh'', khóa chặt "vùng vàng, vùng đỏ".
Các chốt kiểm soát liên huyện "vùng xanh" tiếp tục được duy trì. Thực hiện điều chỉnh theo hướng rút bớt lực lượng ở chốt khu vực "vùng xanh" tăng cường cho các chốt "vùng đỏ, vùng cam".
Đối với các địa phương “ vùng xanh ”, người và phương tiện được phép lưu thông ở phạm vi trong vùng đó. Dù vậy, các trường hợp ra đường nhưng phải đảm bảo điều kiện đã tiêm vắc xin 2 mũi và mũi 1 sau 14 ngày. Người già, có bệnh nền, trẻ em… hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết.
Cho phép chợ truyền thống hoạt động lại
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết, đã gửi công văn đến các đơn vị, địa phương về việc hoạt động kinh doanh mặt hàng thiết yếu trở lại.
Theo đó, Sở Công thương Bình Dương yêu cầu các đơn vị phân phối hàng hóa thực hiện việc nhân viên, người lao động, tiểu thương và khách hàng đến mua sắm tại các chợ truyền thống phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc ít nhất tiêm 1 mũi sau 14 ngày. Riêng đối với các trường hợp F0 khỏi bệnh phải có xác nhận của cơ quan y tế.
"Ngoài việc tham gia đầy đủ việc xét nghiệm sàng lọc và hoàn thành các mũi tiêm vắc xin, người dân cũng cần tiếp tục duy trì thói quen thực hiện thông điệp "5K". Thực tế cho thấy, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng nhiều quốc gia, khu vực vẫn đang phải vất vả chống chọi với sự trở lại của dịch bệnh.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn cho người dân, mọi người không được lơ là, chủ quan", Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi.
Các điểm hoạt động phải thiết lập kiểm dịch bằng cách quét mã QR hoặc bố trí nhân viên kiểm tra trực tiếp các loại giấy tờ theo quy định tại cổng ra vào để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bằng các biện pháp khai báo y tế, giấy hoặc mã tiêm phòng theo quy định, xét nghiệm định kỳ..; tuyệt đối không tiếp nhận khách hàng không đủ điều kiện.
Chợ truyền thống chỉ cho phép tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, bao gồm rau củ quả, thịt heo, thịt bò đã được làm sạch; bố trí sắp xếp quầy sạp hợp lý, có biện pháp kiểm soát mật độ người mua bán tại chợ. Bắt buộc người mua bán, làm việc trong các chợ phải thực hiện nghiêm quy định 5K.
Chợ truyền thống hoạt động trở lại, tiểu thương và người mua hàng phải xét nghiệm, tiêm vắc xin và tuân thủ quy tắc 5K
Phải thành lập đội test nhanh COVID-19 định kỳ test nhanh 3 ngày/1 lần cho tiểu thương, nhân viên làm việc tại chợ và khách hàng mua sắm (nếu có biểu hiện nghi ngở) dưới sự giám sát của ngành chức năng. Sở Công thương Bình Dương cũng quy định, tại các địa bàn “vùng đỏ” ở TX.Tân Uyên, TP.Dĩ An, TP.Thuận An cho hoạt động lại 1 chợ truyền thống, ưu tiên các chợ rộng rãi, thông thoáng. Các địa phương “vùng xanh” tùy tình hình thực tế cho các chợ hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm các tiêu chí chợ “vùng xanh”.
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 153.830 ca mắc COVID-19; 1.349 ca tử vong và 103.751 bệnh nhân xuất viện về nhà. Bình Dương còn 1.232 khu vực phong tỏa với 103.784 người.