Chủ tịch bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, "ông lớn" Trung Nam đang làm ăn ra sao?

Minh Hằng |

Tập đoàn của vị chủ tịch vừa bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh được coi là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam về lĩnh vực năng lượng sạch.

Theo Cục Hải quan Khánh Hòa, đơn vị ban hành Thông cáo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh (SN 1973), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).

Trong thông báo này nêu rõ rằng, ông Nguyễn Tâm Thịnh là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Được biết, quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 6/5 đến khi doanh nghiệp nộp đủ tiền thuế.

Chủ tịch bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, "ông lớn" Trung Nam đang làm ăn ra sao?- Ảnh 1.

Trung Nam Group hiện đang còn nợ quá hạn tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa trên 21 tỷ đồng. Ảnh: Trung Nam Group

CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam hiện đang còn nợ quá hạn ở Chi cục Hải quan Ninh Thuận, Cục Hải quan Khánh Hòa trên 21 tỷ đồng. Công ty này đang bị cơ quan Hải quan nơi đây áp dụng biện pháp cưỡng chế, bằng cách dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Nguyên nhân bị cưỡng chế là do CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam chấp hành không nghiêm quyết định của Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa về việc ấn định thuế với hàng hóa nhập khẩu, cũng như thông báo của Chi cục Hải quan Ninh Thuận về tiền thuế và tiền chậm nộp còn thiếu.

Quyết định cưỡng chế này có hiệu lực thi hành trong 1 năm, kể từ ngày 19/1. Quyết định sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ khi số tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.

Trung Nam Group được coi là "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam

Chủ tịch bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, "ông lớn" Trung Nam đang làm ăn ra sao?- Ảnh 3.

Ảnh: Trung Nam Group

CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam được thành lập từ năm 2004, với xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Đến nay, công ty đã phát triển thành tập đoàn đa ngành và hoạt động chính trong 5 lĩnh vực, bao gồm năng lượng, hạ tầng – xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử. Trung Nam Group được chèo lái bởi hai vị doanh nhân kín tiếng là ông Nguyễn Tâm Thịnh (SN 1973), Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (SN 1967), Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Từ năm 2018, Trung Nam Group bắt đầu bổ sung ngành năng lượng tái tạo và đưa mảng này trở thành nguồn thu chính, thông qua những dự án tầm cỡ, với vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đến tháng 10/2021, Trung Nam Group đã đóng góp 1,63 GW năng lượng vào lưới điện quốc gia và dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này

Tính đến nay, một số dự án điện chủ lực của Trung Nam Group có thể đến như Điện gió Ea Nam Đắk Lắk (tổng công suất 400 MW, vốn đầu tư là 16.500 tỷ đồng), Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW kết hợp với trạm biến áp 500 KV (vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng), Điện mặt trời Trung Nam (công suất 204MW, vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng), Điện gió Trung Nam (gần 152 MW, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng)…

Chủ tịch bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, "ông lớn" Trung Nam đang làm ăn ra sao?- Ảnh 5.

Dư án điện mặt trời Trung Nam ở Ninh Thuận. Ảnh: HH

Theo một báo cáo của VNDirect Research, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam hiện là công ty có thị phần lớn nhất trong ngành năng lượng tái tạo (với khoảng 7%), xếp trên cả những đơn vị khác như Xuân Thiện, Bamboo Capital hay BIM Group.

Ngoài ra, theo một báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, quy mô tổng tài sản của CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã vượt 96.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Trong số đó, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này là hơn 27.914 tỷ đồng.

Quy mô tài sản của công ty này hiện lớn hơn nhiều doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, chẳng hạn như PV Gas, BSR, Petrolimex hay EVN Genco3.

Trong lĩnh vực bất động sản, Trung Nam Group cũng được coi là một "ông lớn" khi thông qua công ty con là Trung Nam Land góp mặt vào 2 dự án lớn nhất của Đà Nẵng. Đó là Khu đô thị sinh thái Golden Hills (với tổng đầu tư 1,6 tỷ USD) và dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt – Golf Valley.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Trung Nam Group ghi dấu ấn với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP HCM vào thời điểm giữa năm 2016 và là chủ đầu tư của dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná tại Ninh Thuận, bao gồm 17 bến tàu, với tổng mức đầu tư là 6.500 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại