Giảm 60 - 70% so với các chi phí nạo, vét cống...
Một doanh nghiệp tư nhân ở Ninh Bình đã tự nghiên cứu, thiết kế hệ thống chống ngập bằng bơm hút ly tâm và đề xuất TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm với cam kết không hết ngập không lấy tiền.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Quang Trung (Ninh Bình) - chủ nhân của giải pháp chống ngập trên xác nhận, sau khi tiến hành nghiên cứu rất kỹ, ông và các cộng sự đã có đề xuất thí điểm hệ thống chống ngập kiểu mới cho TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, giải pháp chống ngập này là dùng máy bơm ly tâm đặt tại một số vị trí mà không cần vớt rác, đào đường lắp cống mới.
Theo ông Cường, hiện nay ở TP Hồ Chí Minh có hai dạng ngập là do triều cường và do lượng mưa lớn, liên tục dẫn đến hệ thống cống bé, độ dốc thấp nên không thoát kịp.
"Do đó, có hai lựa chọn là thay cống thì lại phải đào đường, ngoài ảnh hưởng đến đường thì còn ảnh hưởng đến nhiều công trình hạ tầng khác như điện, nước, viễn thông... và chi phí tốn kém.
Lựa chọn thứ hai là tận dụng hệ thống thoát nước đang có sẵn và đặt hệ thống hút bằng máy bơm ly tâm mà chúng tôi đưa ra để hút đi", ông Cường nói.
Bơm hút theo ông Cường được đặt tại điểm cuối của hệ thống thoát nước tức là tại các cửa xả nước của thành phố tiếp giáp với sông.
"Khi mình hút là đẩy thẳng ra sông, có thể đẩy nước xa tới 10km và thiết bị của chúng tôi chỉ có van một chiều chỉ hút đẩy ra chứ không đẩy, tràn lại được.
Với các đường ống ví dụ như phi 800 - 1000 thì tốc độ chảy chỉ được khoảng 0,2m/s thôi nhưng đưa thiết bị của chúng tôi vào thì tốc độ hút có thể gấp lên 5 lần và việc thoát nước sẽ rất nhanh.
Chi phí giá thành cũng rẻ và theo tính toán của chúng tôi để thoát ngập cho một khu như vậy chỉ hết khoảng 5 triệu đồng tiền nhiên liệu", ông Cường cho hay.
Trước vấn đề rác thải trong các cống thoát nước của TP Hồ Chí Minh rất lớn và đó là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc hoặc thoát kém gây ngập, ông Cường cho biết thêm, ông đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này và hệ thống máy bơm ly tâm của ông có thể giải quyết được.
Hệ thống bơm ly tâm của ông Cường đề xuất. Ảnh: Tuổi trẻ.
"Hiện nay, TP phải chi phí số tiền rất lớn để thông, vét, nạo cống. Tắc cống có nhiều dạng như do các bùn đất bên trên đổ xuống, lưu cữu dẫn đến thành cống bé lại hay là các giẻ rách, lá, cành cây, rác... vướng vào hoặc đường lún dẫn đến miệng cống bị xô lệch đi... gây tắc, hạn chế dòng chảy.
Khi đưa thiết bị của chúng tôi vào thì nó sẽ hút tất cả bùn đất, cây, que, gỗ, giẻ, rác... vào và có một bộ lọc tự động sẽ tách các rác thải này rồi vớt tự động, đưa vào xe chuyên dụng mang đến nơi thu gom.
Với hệ thống này giảm được khoảng 60 - 70% chi phí cho các công tác mà thành phố đang thực hiện như thông cống, vét...
Theo công thức vật lý thì những chỗ nào mà tốc độ dòng chảy từ 2m/s trở lên thì sẽ không bị bồi, còn thiết bị của tôi khi đưa vào sẽ đạt 10 - 12m/s thì chắc chắn sẽ không bồi được.
Đây là công trình nghiên cứu của chúng tôi từ nhiều năm nay rồi và nếu thành phố áp dụng thì có thể hoạt động ổn định trong vòng 20 năm", ông Cường nêu rõ.
Vị kỹ sư này cũng cho biết thêm, tùy theo từng vị trí mà hệ thống bơm ly tâm sẽ được đặt tại gần cuối đoạn xả và gắn trực tiếp vào cống thoát nước có sẵn của thành phố.
Khi đặt chỉ cần xử lý một chút bê tông ở trụ móng. Điều kiện đặt hệ thống đơn giản nhanh, không tốn kém.
Hệ thống bơm hút ly tâm tự động kết hợp với cảm biến đo mực nước ở trong cống, nếu nước chỉ cần bằng 3/4 đường kính cống thì bơm sẽ tự động chạy...
Chỉ tốn khoảng 10% so với các dự án chống ngập
Ông Cường cũng cho biết thêm, nếu như dùng bơm thông thường thì sẽ không giải quyết được bài toán thoát ngập. Cụ thể, như nếu dùng bơm ly tâm đẩy thông thường mà đặt vào chỗ ngập để đẩy ra thì phía sau nước có thể đẩy phụt lên nhà dân, gây nguy hiểm.
"Do đó, phải đặt vấn đề bơm hút, tức là đặt hệ thống bơm ly tâm ở cuối nguồn để hút hết, thậm chí, với tốc độ hút cao thì cống của nhà dân nối ra hệ thống cống chính bị tắc thì còn có thể thông tắc luôn.
Chúng tôi đã nghiên cứu và thí nghiệm trên mô hình còn để trả lời nó có thành công 100% thì phải lắp thí điểm", ông Cường nêu.
Vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc này cũng nêu rõ, ông là doanh nghiệp nhưng cũng có nghiên cứu khoa học và trước đó, đã có nhiều đơn vị, cá nhân nói thì hay nhưng khi vào làm thì không được.
"Ở đây, doanh nghiệp làm vì lợi nhuận nên khi làm người ta phải có hợp đồng, điều khoản ràng buộc thì mới làm còn chúng tôi ở đây là doanh nghiệp nhưng cũng là nghiên cứu khoa học nên với đề xuất này, chúng tôi sẽ bỏ tiền ra làm thí điểm.
Nếu thành công thì thành phố trả tiền còn không thì tôi không lấy tiền", ông Cường nhấn mạnh.
Về chi phí thực hiện của hệ thống bơm hút ly tâm với các dự án chống ngập và công tác duy tu, vớt rác mà thành phố đang thực hiện, ông Cường chia sẻ, sẽ khó có thể đưa ra định lượng cụ thể.
"Nhưng nếu thay cống ngoài chi phí làm cống, lắp đặt, vận chuyển, quản lý, triển khai... thì còn phải đào đường gây ảnh hưởng đến các vấn đề khác.
Với hệ thống của chúng tôi đưa vào sẽ rất thấp nhưng thấp bao nhiêu chỉ là định tính. Nếu so với các giải pháp thông thường đang thực hiện thì theo tôi chỉ hết khoảng 10%.
Thời gian thực hiện có thể ổn định trong vòng 20 năm, sau đó, nếu thành phố có thêm kinh phí thì có thể tính tiếp", ông Cường chỉ rõ.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập cho biết trung tâm và Sở GTVT TP đã họp bàn và cơ bản thống nhất đề xuất.
"Chúng tôi sẽ cho công ty thử nghiệm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), tuyến đường ngập nặng của TP để xem tính hiệu quả. Hiện các đơn vị đang khảo sát diện tích cống, sau đó mới lắp đặt", ông Công nói.