Maurice - chú gà trống đỏm dáng - đang tỏ ra hết sức bực bội. Chú ngọ nguậy không yên, lúc lắc cái đầu, lấy mỏ rỉa lông. Nhưng chú tuyệt nhiên không kêu, cũng không gáy. Ít nhất là trước mặt người lạ.
"Thấy không, nó đang căng thẳng đấy," - Corinne Fesseau, chủ nhân của chú nói. "Tôi ức chế nên nó cũng vậy. Giờ nó cũng chẳng gáy nữa."
Nói đoạn, bà bế Maurice lên. "Nó vẫn còn bé bỏng lắm mà."
Maurice hiện đang là con gà nổi tiếng nhất nước Pháp. Nhưng cũng không phải tự nhiên được thế, mà do đây không chỉ là một con gà đơn thuần. Nó là biểu tượng của sự xung đột ngay giữa nền văn hóa lâu đời của Pháp, giữa những người nông dân sinh sống ở các vùng quê, và hàng ngàn người rời thành phố về quê để tận hưởng những kỳ nghỉ đích thực.
Khi một con gà bị tước đi quyền gáy và biểu tượng bất tử của người Pháp
Maurice và chủ của nó đã bị kiện ra tòa bởi 2 người hàng xóm. Họ nằm trong số hàng ngàn người về nông thôn để nghỉ dưỡng vài tuần - mà cụ thể ở trường hợp này là Saint-Pierre-d'Oleron, hòn đảo nằm phía bờ Tây nước Pháp. "Một ngôi làng đơn sơ với những ngôi nhà được sơn trắng như tại Arab, đẹp huy hàng và gọn ghẽ" - như tiểu thuyết gia Pierre Loti mô tả hồi đầu thập niên 1880.
Hòn đảo Saint-Pierre-d'Oleron đẹp thơ mộng
Bên nguyên đơn là một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu, sinh sống tại trung tâm thành phố Limoges. Lý do là vì con gà... gáy to quá khiến họ mất ngủ, và họ muốn thẩm phán đuổi cổ con gà đi.
Nhưng hàng chục ngàn người dân trên khắp nước Pháp thì không đồng tình. Họ đồng loạt ký vào một bản kiến nghị để ủng hộ "quyền gáy" của Maurice.
Với họ, đây không chỉ là một con gà, mà còn ảnh hưởng văn hóa của cả một quốc gia. Ở một đất nước với biểu tượng bất tử là chú gà trống Gallic (Gô-loa), hiển nhiên gà phải có quyền gáy. Các vùng nông thôn có toàn quyền với tiếng gáy đó, và không kẻ nào từ nơi khác có thể xâm phạm đến.
Cuộc tranh cãi cũng chạm đến một vấn đề tồn tại từ thời nông nghiệp còn được xem trọng ở nước Pháp, giữa một thế hệ đề cao cuộc sống yên bình tại nông trại và tôn sùng những giá trị giản đơn. Tiếng gà gáy chính là một trong những giá trị như thế. Thậm chí, có vị dân biểu còn đề nghị rằng ông muốn những âm thanh gắn liền với nông thôn cần phải được bảo vệ như những di sản quốc gia.
Con gà cần được là chính mình!
Fesseau, một người dân trong vùng
Nhưng theo Christophe Sueur - thị trưởng của hòn đảo, mọi chuyện không đơn giản chỉ có tiếng gáy, mà còn một vấn đề lớn hơn.
"Chúng tôi có những giá trị cổ điển của Pháp, và cần phải bảo vệ chúng. Một trong số đó là các loài động vật trong trang trại. Nếu đến đây, bạn phải chấp nhận chúng!" - thị trưởng Sueur cho biết.
Ngư dân Sebastien Orsero từng bị hàng xóm yêu cầu phải thay hàng rào bằng tường bê tông, vì chim chóc làm tổ trong đó làm phiền đến họ
Đó là thực trạng của hòn đảo. Dân số trên đảo bình thường chỉ là 22.000, nhưng vào mùa hè sẽ tăng gấp 20 lần như thế, kèm theo những yêu sách hết sức kỳ lạ. Sueur cho biết đã từng có trường hợp yêu cầu nhà thờ trên đảo ngưng rung chuông, trong khi đó là truyền thống lâu đời rồi.
"Một bộ phận muốn áp đặt lối sống của họ tại đây." - ông phẫn nộ chia sẻ. "Họ muốn chối bỏ truyền thống của hòn đảo."
Để bảo vệ Maurice, ngài thị trưởng đã ủng hộ một sắc lệnh về tính cần thiết khi bảo vệ các giá trị nông thôn trên đảo Saint-Pierre-d’Oléron. Nó biến ông trở thành người bảo trợ vững chắc cho chú gà trống tội nghiệp trên.
Christophe Sueur - thị trưởng của hòn đảo
"Không chỉ là về một con gà trống, mà là cuộc tranh cái liên quan đến văn hóa tại nông thôn, về những thứ làm nên giá trị của một vùng quê," - Thibault Brechkoff, một ứng viên tranh cử thị trưởng cho biết.
"Chú gà trống này cần phải được bảo vệ."
Ai cũng có cái lý của mình
Bất chấp sự bảo vệ thì với chú gà Maurice, mọi chuyện cũng không lấy gì làm ổn. Bởi lẽ, cặp đôi kiện chú cũng có cái lý của mình.
Cặp vợ chồng già Jean-Louis Biron và Joëlle Andrieux đã gửi lên một bản kiến nghị, yêu cầu vợ chồng bà Fesseau ngưng "gây phiền toái khi dựng chuồng gà, đặc biệt là tiếng gáy của con gà Maurice." Lý lẽ họ đưa ra là bối cảnh khu vực đảo nằm trong thành thị, nên Maurice không được quyền gáy.
Dân số đảo sẽ tăng gấp 20 lần vào mùa hè
Cụm từ thành thị có vẻ cũng được hiểu theo nghĩa khá rộng, bởi ngôi nhà của bà Fesseau không giống bất kỳ thành thị nào chúng ta đang thấy.
Đó là một ngôi nhà nhỏ có cửa chớp màu xanh lam, nằm phía rìa của một thị trấn yên tĩnh với chỉ 6.700 cư dân. Pierre Loti chẳng từng viết ông muốn được chôn cất tại đây khi qua đời, trong "sự yên bình ngọt ngào của một vùng quê" kia mà.
Đây là một trong những hòn đảo hiếm hoi giữ được nét yên bình của một vùng quê nước Pháp
Dẫu vậy, ông Biron và bà Andrieux vẫn quyết định thuê một nhân viên từ tòa án để làm chứng về tiếng gáy của con gà Maurice, với mức giá lên tới hàng trăm dollar. Ngày đầu tiên, người này chẳng nghe thấy gì. Nhưng 2 ngày sau đó, Maurice đều gáy vào khung 6h30 và 7h sáng.
Để giải quyết, một nhân viên hòa giải đã đến thử khuyên bà Fesseau gửi Maurice đi trong thời gian ông bà Biron và Andrieux đến nghỉ ngơi, nhưng không được chấp nhận.
"Tôi sẽ không rời xa con gà của mình đâu!" - bà thẳng thắn cho biết. "Họ đến đây và bảo rằng sẽ tự nhiên như ở nhà. Nhưng làm gì có chuyện họ được ra lệnh cho chúng tôi?"
Đáp lại vị luật sư bên nguyên - Vincent Huberdeau chia sẻ: "Thực ra họ có vấn đề gì với con gà đâu. Họ cũng chẳng muốn nó chết. Vấn đề là tiếng ồn!"
Cũng theo vị luật sư, thì câu chuyện có phần khác nếu nhìn từ góc của bên nguyên. Ông cho biết 2 khách hàng của mình đã xây căn nhà này từ 15 năm trước, và luôn được tận hưởng những mùa hè yên bình, cho đến khi bà Fesseau lắp chuồng gà vào năm 2017.
"Người ta nói về họ như những kẻ chống lại tự nhiên," - ông Huberdeau cho biết. "Nhưng mọi chuyện không phải thế! Họ chẳng có gì thù địch với vùng quê cả."
Ai đúng ai sai, kẻ tổn thương vẫn là... chú gà
Những buổi sáng gần nhất, Maurice thò đầu qua cánh cửa sập. Nó đứng một cách khẽ khàng, khi trời vẫn còn đang tối.
Đúng 6h sáng, Mặt trời ló dạng, Maurice bắt đầu vươn vai, lắc cổ, hả họng, nhưng lại phát ra một âm thanh trầm và thấp.
20s sau, một tiếng gáy trầm lắng khác vang lên. Vậy là xong! Đến 6h20, Maurice đi vào và kết thúc 2 "cữ" gáy của ngày hôm đó.
"Tại sao con gà lại bị bắt?" - hàng xóm cho biết
Đối với bà Fesseau, phải chứng kiến những cảnh ấy khiến bà cảm thấy rất buồn, vì Maurice đã không còn gáy một cách thoải mái và nhiều như trước. Luật sư của bà cho biết chú gà đã gáy rất ít, có thể là vì nó cảm nhận được sự ồn ào trong mấy tháng vừa qua đang xoay quanh mình.
"Trước kia nó hạnh phúc lắm, mọi thứ vẫn rất ổn. Còn giờ thì nó căng thẳng vô cùng." - bà chủ của Maurice buồn bã chia sẻ.
Một bản khảo sát chỉ ra rằng hàng xóm xung quanh đều đứng ra bảo vệ Maurice.
"Tại sao con gà trống lại bị bắt tội?" - Katherine Karom, người sống cùng khu với cặp đôi nguyên đơn cho biết.
"Nó giống như việc họ muốn nhà thờ ngưng rung chuông vậy. Không thể ngăn người ta nuôi động vật được. Đây là nông thôn cơ mà!"
Renaud Morandeau, một ngư dân sống bên cạnh thì chia sẻ: "Tôi chả nghe thấy nó gáy bao giờ. Mà kể cả có thì cũng có làm sao chứ? Một con gà thôi mà?"
Tham khảo: New York Times