Lo ngại các dự án tỷ đô ì ạch
Trong danh mục các dự án, công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 trình HĐND thành phố thông qua có tổng số 52 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 503.374 tỷ đồng, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 217.066 tỷ đồng. Về phân chia theo lĩnh vực, có 38 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị.
HĐND thành phố cũng nhất trí danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ưu tiên như: kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng hoặc cải tạo các cảng nội địa; bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch, ưu tiên các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm sử dụng công nghệ đỗ xe hiện đại, thông minh; đầu tư, phát triển hệ thống phương tiện vận tải công cộng.
Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, lâu nay đối với các công trình, dự án trọng điểm của thành phố lo ngại nhất là việc chậm tiến độ.
Trong quá trình giám sát cho thấy có những thay đổi và chưa đồng bộ về mặt chính sách gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
"Nguyên nhân chủ quan có rất nhiều. Chẳng hạn như năng lực của chủ đầu tư.
Hiện nay UBND thành phố đang báo cáo trong lộ trình thực hiện việc rà soát, sắp xếp các Ban quản lý dự án làm sao ngày càng chuyên nghiệp để đảm bảo theo đúng tinh thần của Luật Xây dựng", bà Mai nói.
Áp lực dân số, quá tải hạ tầng
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, trong quy hoạch cần dự báo được tình hình, tránh tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội.
Nhiều tuyến phố trên địa bàn đang gồng mình gánh những khu nhà chọc trời. Hiện nay có rất nhiều khu đô thị, nhà chung cư mới xây dựng không đảm bảo theo đúng quy hoạch đã phê duyệt, cả về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội.
Nhiều nhà chung cư khi được xây dựng sai phép dẫn đến số lượng dân cư tăng vọt, gây áp lực lớn về hạ tầng.
"Chúng tôi đề nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện tổng rà soát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch; yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã được phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện ngay việc xây dựng tại các dự án đảm bảo đúng với quy hoạch được phê duyệt.
Đối với những nơi chưa có yêu cầu quy hoạch bổ sung hoặc nơi sắp triển khai, đang triển khai thì yêu cầu xây dựng đồng bộ các thiết chế trên cùng với quá trình thực hiện các dự án", ông Nam nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội hiện nay có rất nhiều nguyên nhân như gia tăng dân số, gia tăng phương tiện trong khi hạ tầng giao thông rất yếu kém.
Bí thư Tây Hồ lý giải về 128 tỷ đồng nạo vét bùn
Liên quan đến thông tin Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng "chi hơn 128 tỷ để hút bùn ở hồ Tây (với 4 dự án triển khai từ 2011 đến nay - pv) nhưng không thấy mét khối bùn nào", trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội hôm qua, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết, các dự án cụ thể do Ban quản lý hồ Tây làm theo quy định.
"Gói thầu đó thì Ban quản lý dự án hồ Tây làm. Cái đó làm theo dự án, không liên quan đến chi sự nghiệp", ông Thắng nói.
Ông Thắng cho biết, về hiệu quả của dự án này được đánh giá là đã nạo vét khu vực đầm Bảy, khu vực đua thuyền và chỗ xây đôi rồng ở hồ Tây. Theo ông Thắng, không có chuyện chi 128 tỷ đồng mà không nạo vét mét khối bùn nào.
"Chắc chắn là UBND quận Tây Hồ sẽ có báo cáo lại với Chủ tịch UBND thành phố. Tôi khẳng định là không có chuyện đó. Làm dự án đâu phải đơn giản, không làm tí nào mà tốn ngần ấy tiền thì chết, có mà đi tù", ông Thắng quả quyết.