Chồng từ lương 50 triệu đồng/tháng giờ thất nghiệp, vợ cáng đáng cả gia đình: Chồng mắc bệnh ‘sĩ’, chỉ thích đi làm ở công ty lớn

Ứng Hà Chi |

Câu chuyện của chị vợ khiến nhiều người đồng cảm, bất bình trước sự bảo thủ của anh chồng.

Kinh tế suy thoái dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh hiện nay, việc người lao động bị buộc thôi việc hàng loạt diễn ra thường xuyên từ những công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tập đoàn lớn như Google, Meta, Tesla,... 

"Cơn bão" sa thải khiến nhiều gia đình gặp khó khăn về tài chính, rơi vào cảnh "thắt lưng buộc bụng" vì người nhà mất việc. Chẳng hạn, mới đây, trên một group quản lý tài chính, câu chuyện gia đình của một người phụ nữ ẩn danh, tạm gọi là chị N. nhận được nhiều sự quan tâm và góp ý từ CĐM.

Theo đó, chị N. cho biết, 2 vợ chồng chị đều đã bước sang tuổi 38 và có một con nhỏ 3 tuổi. Hiện tại, chị N. tự kinh doanh với vốn tiền hàng lưu kho dự phòng khoảng 1 tỷ đồng. Chồng chị N. từng làm về mảng Công nghệ thông tin cho một công ty nhưng bị mất việc tính đến nay đã được 1 năm và vẫn chưa tìm được việc làm.

Do chỉ kinh doanh nhỏ và mới sinh con, chị N. chỉ trích 10 triệu đồng/ tháng từ tiền hàng lưu kho để tiêu xài. Nếu việc buôn bán sinh lời, chị N. vẫn nhập thêm vốn để tái đầu tư cho tiệm. 

Trước khi thất nghiệp, chồng chị N. có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ tháng. Mỗi tháng, anh chồng sẽ đưa cho chị N. 15 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt phí và lo liệu tiền học cho con cái. Chi tiêu của chung gia đình chị N. tầm 20 triệu đồng - 30 triệu đồng/ tháng. Nếu thiếu tiền, chị N. sẽ phải tự bù. Số tiền 35 triệu đồng/ tháng còn lại chồng chị N. giữ để trả nợ tiền mua xe, tiêu xài cá nhân và đầu tư riêng.

Chồng từ lương 50 triệu đồng/tháng giờ thất nghiệp, vợ cáng đáng cả gia đình: Chồng mắc bệnh ‘sĩ’, chỉ thích đi làm ở công ty lớn- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Chị N. cũng tâm sự: "Từ khi chồng mất việc, mình phải chi trả toàn bộ chi phí cho cả gia đình, trong đó có tiền nợ mua xe và cả chi phí sinh hoạt của chồng. Chồng mình mất việc nhưng không có tiền tiết kiệm hay khoản dự phòng cá nhân nào dù trước kia anh giữ lại hơn 2/3 lương, không hề đưa hết lương cho mình. Tuy nhiên, mình vẫn tôn trọng và không can thiệp nhiều vào tiền của chồng.

Sau khi chồng thất nghiệp hơn 1 năm qua, mình vẫn trụ được, lo toan, vun vén tất cả các khoản thu trong gia đình vì việc kinh doanh của mình thuận lợi. Dù không đạt được nhiều lợi nhuận nhưng bằng một cách nào đó vẫn duy trì được tiệm, nuôi cả gia đình và vẫn giữ được số vốn ban đầu, không bị thâm hụt nhiều. Hai vợ chồng mình tam quan không hợp nên mình không thể khuyên chồng cùng kinh doanh, anh cũng hoàn toàn không có vốn để tự kinh doanh riêng.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc thắt chặt chi tiêu trong 1 năm qua sắp khiến mình kiệt sức. Cả năm qua, mình hầu như không mua thêm giày dép, quần áo hay mỹ phẩm đắt tiền, nhu cầu vật chất của mình sắp trở về con số 0, chỉ ăn uống cơ bản và tồn tại qua ngày. Chồng mình cũng không dám mua sắm gì, anh không sa đà vào rượu chè, cờ bạc và có lối sống chỉn chu, cơ bản".

Vợ ngán ngẩm trước cảnh chồng "sĩ diện"

Chị N. chia sẻ, chồng chị vẫn cố gắng xin việc ở nhiều nơi, nhưng chưa công ty nào phản hồi vì anh luôn mong muốn mức lương như cũ. Việc thất nghiệp trong thời gian dài dẫn đến tâm lý của chồng bị ảnh hưởng, mối quan hệ giữa vợ chồng chị N. luôn trong tình trạng căng thẳng.

Việc phải mặc định chi trả toàn bộ chi tiêu trong gia đình khiến chị N. tủi thân, cảm thấy bản thân chẳng khác nào một cái máy ATM. Chị buộc phải đưa mọi khoản tiền mà chồng chị yêu cầu, nếu không thì anh sẽ nổi giận và tự ái.

Nguồn thu chính của chị N. chỉ dựa vào một tiệm nhỏ tự kinh doanh, do đó chị lo sợ rằng nếu tiếp tục gồng gánh mọi khoản chi tiêu, khả năng cao chị sẽ phải đóng cửa tiệm. Ngoài chi phí để duy trì tiệm nhỏ và gia đình, chị N. còn phải trả khoản nợ mua xe tổng cộng lên đến 100 triệu đồng/ tháng. Chị N. cho biết thêm thời gian tới, doanh thu của cửa tiệm không thể trả được mức chi phí đó.

Chị N. cũng khuyên chồng nên đồng ý nhận công việc khác với mức lương 20 triệu đồng/ tháng có thể tự lo chi phí cá nhân và trả nợ xe hoặc góp nuôi con. Tuy nhiên, chồng chị N. thuộc kiểu người bảo thủ và hay tự ái, anh chỉ muốn tìm công việc có chức vụ, mức lương như trước ở những công ty lớn. Nên công việc nào không đáp ứng yêu cầu, anh nhất quyết không làm.

Chồng từ lương 50 triệu đồng/tháng giờ thất nghiệp, vợ cáng đáng cả gia đình: Chồng mắc bệnh ‘sĩ’, chỉ thích đi làm ở công ty lớn- Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Hơn nữa, chị N. cũng dần suy sụp và cảm thấy bất an với chồng khi anh chia sẻ rằng bản thân vẫn vô định, chưa suy tính nhiều khi đối mặt với vấn đề thất nghiệp lâu dài. Chị N. bày tỏ, chồng chị trước giờ không chịu được cảnh cực khổ, phải bươn chải để kiếm sống. Anh không thích làm công việc lao động chân tay, quan niệm và suy nghĩ kiếm tiền của anh chỉ theo duy nhất một hướng: "Đi làm cho công ty lớn, nếu không được anh cũng không biết làm gì. Anh cũng luôn cố gắng xin việc, không ăn chơi, rượu chè hay cờ bạc gì. Em còn muốn gì ở anh nữa?".

Câu chuyện được chị N. chia sẻ khiến không ít người cảm thấy xót xa. Nhiều người đồng cảm với hoàn cảnh của chị vợ và chỉ trích anh chồng "chây ì", "ỷ lại". Một số ý kiến cho rằng chị N. nên bán xe và không nên đưa chồng tiền trang trải chi phí cá nhân. Bên cạnh đó, CĐM cũng có nhiều sáng kiến hay như chị N. nên khuyên chồng dùng chính chiếc xe mua trả góp để đi làm tài xế, hai vợ chồng cùng vạch ra kế hoạch nếu 1 năm sau chồng chị N. vẫn thất nghiệp,...

Một số bình luận đáng chú ý của mọi người như sau:

- Không đi làm còn cố chấp trả nợ xe! Kinh tế suy thoái mà còn kén việc, kén lương. Làm chồng mà không chịu nhìn vào thực tế. Thời buổi bây giờ người khác có công việc, có thu nhập là đã hạnh phúc rồi.

- Mình nghĩ là chị vợ nên chia sẻ với chồng về thu nhập và chi phí trong gia đình. Ở nhà, chị vợ có thể đưa tiền cho chồng cầm và chi trả các khoản phí vài tháng cho biết. Dần dần có thể điều này sẽ thay đổi nhận thức của chồng.

- Đúng là mọi lục đục đến từ kinh tế nhỉ, lúc tiền bạc dư giả việc gì cũng trôi!

Nguồn: Group Vén khéo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại