Chồng thế chấp nhà riêng vay tiền ngân hàng, vợ có phải cùng ký tên?

NAM DƯƠNG |

Bạn đọc có số điện thoại 097566xxx gọi đến VP Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Năm 2012, bố mẹ chồng đã làm hợp đồng tặng cho tài sản cho vợ chồng tôi là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng). Năm 2015, cha mẹ chồng ép chúng tôi phải làm lại hợp đồng tặng cho tài sản trên cho bố mẹ chồng tôi và chúng tôi đã làm. Sau đó, cha mẹ chồng tôi làm thủ tục tặng cho tài sản đó cho riêng chồng tôi. Nay chồng tôi đi thế chấp sổ hồng để vay tiền ngân hàng, nhưng lại yêu cầu phải có chữ ký của tôi. Tôi có nên ký không?

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1.1.2017) quy định về việc tặng cho bất động sản như sau:

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Khoản 1, điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Như vậy, nếu chồng bạn đã được bố mẹ chồng tặng cho nhà, đất đó làm tài sản riêng, thì chồng bạn có toàn quyền quyết định về việc cầm cố, thế chấp để vay tiền ngân hàng.

Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý, Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Theo đó, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.

Ngoài ra, điều 31 Luật Hôn nhân Và Gia đình cũng quy định giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại