Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Pháp luật về lao động quy định người lao động (NLĐ) có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN cho NLĐ.
Điều 48 Bộ luật Lao động BLLĐ 2012 (BLLĐ) quy định khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ (trừ trường hợp chấm dứt HĐLĐ trái luật hay nghỉ để hưởng lương hưu) thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDSLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc.
Do đó, nếu bạn không được Cty đóng BHXH, BHTN cho bạn thì Cty phải trả trợ cấp thôi việc cho bạn trong thời gian đã làm việc tại Cty. Hoặc bạn có thể khởi kiện yêu cầu Cty truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho bạn.
Bạn đọc M.T (email: nguyenminhtx@xxx) hỏi: Tôi làm việc tại Cty từ tháng 2.2012. Từ tháng 11.2014 đến tháng 12.2015, Cty cho tôi nghỉ chờ việc. Trong thời gian nghỉ chờ việc, Cty mới chỉ thanh toán tiền lương chờ việc tháng 12.2014 đến tháng 7.2015. Từ tháng 1.2016 tôi tiếp tục đi làm đến nay. Tôi có quyền yêu cầu Cty trả những tháng lương chờ việc chưa được thanh toán?
Luật sư Đặng Thị Tâm - Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP.Hà Nội - trả lời: Pháp luật có quy định trong một số trường hợp nhất định thì NSDLĐ có quyền cho NLĐ ngừng việc trong một thời gian. Điều 98 BLLĐ 2012 quy định trong trường hợp phải ngừng việc, NLĐ được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của NSDLĐ, thì NLĐ được trả đủ tiền lương;
2. Nếu do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương; những NLĐ khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ, NLĐ hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Bạn đã nghỉ chờ việc và được hưởng lương chờ việc tại Cty, như vậy bạn thuộc trường hợp ngừng việc được trả lương.
Cty không thanh toán đầy đủ tiền lương chờ việc cho bạn là không đúng quy định. Bạn có quyền yêu cầu ban lãnh đạo Cty thanh toán những tháng lương còn thiếu.
Nếu Cty không thanh toán, bạn có thể gửi đơn kiến nghị đến Phòng LĐTBXH nơi Cty đặt trụ sở để được giải quyết.