Chồng quy hoạch vợ: Có khách quan mấy người ta cũng bảo "gia đình trị"!

Xuân Tùng (thực hiện) |

"Như Thủ tướng nói tìm người tài chứ không tìm người nhà. Có thể người nhà giỏi nhưng nên bố trí ở chỗ khác, không nên tập trung như thế", bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa 13 nêu quan điểm khi trao đổi với PV Infonet.

- Vừa qua, báo chí phản ánh việc Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề nghị quy hoạch vợ mình làm Cục phó. Quan điểm của bà về việc này thế nào?

Bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa 13: Theo tôi những đồng chí ở vị trí lãnh đạo trước hết hãy tuân thủ luật và phải gương mẫu. Có những cái luật không cấm nhưng không nên hành xử như vậy.

Vì đây là cơ quan, không phải là của riêng ai cả cho nên phải tuyển thế nào cho minh bạch, công khai tất cả các tiêu chí của cục phó. Thiếu gì người tài giỏi mà làm sao phải làm như thế!

Có thể đồng chí đó không vi phạm luật nhưng không nên, vì làm như thế cũng không sung sướng gì. Bây giờ lãnh đạo có độ 3 người thì 2 người trong một gia đình thì không nên.

Tôi nghĩ rằng trong công tác cán bộ có những cái dù không vi phạm luật nhưng không nên làm vì như thế không có lợi cho công tác tổ chức và không lợi gì cho phát triển của đơn vị đó.

Có thể người ta không cấm nhưng không nên như thế. Bây giờ giả sử chồng Cục trưởng, vợ Cục phó, thì không nên, mặc dù có thể vẫn xứng đáng nhưng thiếu gì chỗ có thể làm được, tại sao phải dồn vào như vậy?

Rõ ràng, nếu mình là lãnh đạo thì rất bất lợi. Bất lợi vì bản thân người làm cùng cũng khó.

Hai nữa là tập thể Cục thuế đó người ta sẽ nghĩ như thế nào? Còn trong Cục thuế đó có mấy chục người, không có ai có thể đào tạo, bồi dưỡng thành Cục phó mà chỉ có vợ đồng chí đó thì lại là vấn đề khác, nhưng chắc chắn không phải vậy.

Khi mình làm ở Cục thuế mình là người của dân, của tập thể, Đảng giao nhiệm vụ và dân nuôi mình cho nên phải nghĩ đến trách nhiệm đào tạo cán bộ, bồi dưỡng cán bộ.

Chẳng lẽ không có ai khác? Có thể vợ đồng chí xứng đáng nhưng theo mình thì không nên. Làm thế khó lắm, không lãnh đạo được.

Như Thủ tướng nói tìm người tài chứ không tìm người nhà. Có thể người nhà giỏi nhưng nên bố trí ở chỗ khác, không nên tập trung như thế. Như thế mình có khách quan mấy người ta cũng bảo không khách quan, kiểu “gia đình trị”.

Công tác cán bộ là phải phát hiện, tuyển dụng, đào tạo. Đây là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu chứ không phải của tập thể. Đầu tiên phải là phát hiện ra người đủ năng lực để bồi dưỡng, quy hoạch.

Vậy chẳng nhẽ chỉ phát hiện ra người nhà? Luật có thể không cấm nhưng với tư cách một lãnh đạo thì không nên hành xử như vậy, vì trong tập thể không chỉ có một người tài.

Vì vậy, rất mong các đồng chí gương mẫu và hiểu trách nhiệm của mình với dân, với đất nước để hành xử cho đúng.

- Vậy theo bà phải làm sao để tìm được người tài?

Muốn tìm được người tài thì đầu tiên phải công bố công khai tiêu chí của từng vị trí một rồi cho thi tuyển. Phải công khai minh bạch thi tuyển và phải có hội đồng thi tuyển chuẩn.

Việc này thật sự rất khó và phải kêu gọi cái tâm của người đứng đầu. Các đồng chí có thật sự muốn tìm người tài hay không? Người tài không hiếm, muốn tìm được người tài thì dễ thôi không khó gì.

Tức là, có tiêu chí rõ ràng, qua thi tuyển, khi anh muốn thực sự trở thành người tài thì anh phải độc lập với hội đồng thi tuyển, anh không can thiệp gì, để cho họ công khai, minh bạch, tìm giải pháp chấm khách quan nhất.

Tuy nhiên, việc này phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Người đứng đầu muốn thế nào sẽ có giải phải kèm theo và sẽ minh bạch ngay, còn nếu không muốn thì ngược lại. Thậm chí lấy phiếu chưa chắc đã chuẩn.

- Thưa bà, gần đây nhiều người hay nói đến việc có “lợi ích nhóm” trong công tác tuyển dụng cán bộ. Vậy phải làm sao để vạch mặt “nhóm lợi ích” này?

Thứ nhất, anh đưa những ai vào bây giờ phải đánh giá hiệu quả. Vừa rồi Chính phủ có yêu cầu đánh giá, rà soát lại tất cả hiệu quả của bộ máy.

Bây giờ anh tìm những ai, anh tìm những người anh bổ nhiệm "gọi dạ, bảo vâng", những người không có kiến thức hay anh bổ nhiệm người tài vào thì rõ ràng đánh giá hiệu quả là ra vấn đề thôi.

Bây giờ đừng lập luận đúng quy trình nữa. Quy trình là một chuyện nhưng khi sản phẩm không tốt thì phải xem lại quy trình xem có chỗ nào không phù hợp. Còn lúc nào cũng nói là đúng quy trình, quy trình ở đây là cái gì?

Quy trình chỉ chuẩn khi anh cho ra sản phẩm đúng mong muốn, còn anh đúng quy trình mà cho ra sản phẩm sai thì dứt khoát có vấn đề, phải xem lại quy trình đó và lấy mục tiêu là sản phẩm của chuỗi đó chứ đừng lấy mục tiêu là quy trình trong quá trình.

Người ta đi thi anh đến đích ngày nào, giờ nào… tính giờ đó chứ không nói trong quá trình anh chạy rất nhanh. Có nghĩa là phải lấy mục tiêu cuối là sản phẩm của những con người ở vị trí ấy có làm được việc, có hiệu quả hay không.

Hơn nữa phải thấy trách nhiệm là dân đang nuôi mình chứ không phải ai cho cả vì đều là tiền thuế của dân hết. Anh phải xác định việc đó chứ, không phải anh muốn đưa ai vào thì đưa.

Bây giờ một số hiện tượng móc ngoặc với nhau để làm việc sai trái… đấy là "lợi ích nhóm". "Lợi ích nhóm" sẽ gây hậu họa khôn lường. Cái khôn lường đầu tiên và quan trọng nhất là dân mất lòng tin.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại