*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Lý Thể Anh được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Cuộc sống trong mơ lúc về già
Năm tôi 59 tuổi, chồng đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Chuyện này đã khiến tôi chịu đả kích rất lớn nhưng cũng giúp một người già như tôi nhận ra cuộc đời này vô thường. Sau đó 2 năm, khi bản thân đã nhẹ lòng hơn, tôi gọi con trai và con dâu đến nói chuyện và bày tỏ nguyện vọng muốn đi du lịch một thời gian. Toàn bộ chi phí cho chuyến đi dài ngày, tôi sẽ chi trả bằng sổ tiết kiệm bấy lâu của 2 vợ chồng cùng với khoản lương hưu 6.000 NDT/tháng (hơn 20 triệu đồng).
Thấy tôi đã lên kế hoạch kỹ càng và sẵn sàng cho chuyến đi, con trai vui vẻ nói: "Vâng, mẹ cứ đi chơi cho khuây khỏa. Nhân lúc còn khỏe mạnh, mẹ cứ trải nghiệm thêm, bao giờ chán thì về với bọn con."
Nhận được sự ủng hộ của con trai, tôi không do dự mà xách vali lên và bắt đầu chuyến hành trình của mình. Ở tuổi xế chiều, sau bao năm chỉ quanh quẩn ở nhà và lo chuyện cơm áo gạo tiền, cuối cùng tôi cũng có khoảng thời gian riêng cho bản thân. Chuyến đi này giúp tôi khám phá thêm nhiều vùng đất mới, gặp gỡ thêm nhiều người và càng trân trọng hơn quãng thời gian còn lại trên cuộc đời.
Tôi cũng không quên ghi lại những khoảnh khắc tươi đẹp mà bản thân trải nghiệm được rồi đăng tải lên mạng xã hội để chia sẻ sẻ mọi người. Mỗi lần thấy con trai và con dâu tương tác hay để lại bình luận trên bài đăng của mình, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và có thêm năng lượng để kéo dài chuỗi ngày tự do này.
Cứ thế, trong 1 năm đó, tôi đi du lịch khắp nơi, từ nam ra bắc, từ đông sang tây và hiếm khi trở về nhà. Mãi đến khi số tiền tiết kiệm gần chạm đáy, tôi mới ngồi lại để tính toán xem liệu mình có thể hoàn thành chuyến hành trình tiếp theo hay không.
Một lần khi đang ngắm hoàng hôn trên thảo nguyên, tôi bỗng nhận được điện thoại của con trai. Sau mấy lời hỏi han sức khỏe, con tôi đề cập đến việc thời gian tới cả hai vợ chồng nó phải đi công tác xa nên muốn nhờ tôi về ở với cháu một thời gian. Dù rất muốn giúp con nhưng cuối cùng, tôi vẫn từ chối vì đã lỡ đóng tiền cho chuyến đi khám phá Tây Tạng (Trung Quốc) trong 1 tháng của mình. Để các con yên tâm đi công tác, tôi còn dặn dò cả hai vợ chồng nó nên nhờ thêm họ hàng hoặc thuê bảo mẫu. Cháu tôi cũng đã 10 tuổi rồi, không cần phải có người luôn kè kè ở bên, thay vào đó, chỉ cần có người lo cơm nước cho nó là ổn.
Nghe vậy, con trai tôi tỏ ra thất vọng vô cùng. Cuối cuộc gọi, nó buông một tiếng thở dài rồi nói "Mẹ bận nến nỗi không thể bớt chút thời gian để về chơi với cháu nội của mình 1 tuần cơ à?" và cúp máy.
Dẫu vậy, tôi cũng không quá để tâm đến lời con mà tiếp tục tận hưởng chuyến hành trình của mình. Thậm chí, ngay cả khi số tiền mang theo đã cạn, tôi vẫn âm thầm vay thêm của bạn bè để hoàn thành mục tiêu của mình chỉ vì 1 suy nghĩ: "Ta chỉ có 1 đời để sống".
Bài học ở tuổi xế chiều
Tròn 2 năm sau ngày rời nhà để đi trải nghiệm một cuộc sống khác, tôi trở về với niềm hạnh phúc khó tả. Với thành tích 63 tuổi vẫn tự mình đặt chân tới những vùng đất xa xôi của Trung Quốc, tôi cứ ngỡ sẽ được con cháu chào đón, tự hào. Nào ngờ khi bước chân vào căn nhà thân thuộc, thứ tôi nhận được là ánh mắt đầy chán nản của con trai mình. Nó không chào, cũng không hỏi thăm tôi lấy 1 câu.
Mặc kệ thái độ lạnh nhạt của con trai, tôi không phiền lòng mà lập tức thao thao bất tuyệt về chuyến đi của mình, đồng thời hỏi xin nó 200.000 NDT (gần 700 triệu đồng) để trả nốt số nợ đã vay của bạn bè. Nghe đến đây, con trai tôi bỗng giận dữ rồi lớn tiếng với tôi:
"Mẹ ơi, ban đầu con chỉ nghĩ mẹ đi du lịch một thời gian để cho thoải mái đầu óc, nào ngờ mẹ đi suốt 2 năm liền. Mẹ không quan tâm tới gia đình đã đành, giờ mẹ còn mang về khoản nợ lớn bảo con phải trả. Mẹ ích kỷ thế, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Mẹ có biết gia đình mình giờ như thế nào không?"
Nói xong, con trai bỏ ra ngoài trước sự ngỡ ngàng của tôi. Cả đêm hôm đó, tôi ở nhà một mình, lòng vô cùng rối bời trước câu nói của con. Lúc đó, tôi mới nhớ ra cháu trai và con dâu cũng đi đâu cả ngày không thấy về nên khá sốt ruột. Sáng sớm hôm sau, tôi gọi điện cho con trai để hỏi chuyện thì mới biết cháu tôi bị ngộ độc thực phẩm, đã nằm viện điều trị được 2 ngày.
Nghe vậy, tôi lập tức đến ngay bệnh viện để thăm cháu. Khi đến nơi, tôi vô tình nghe được cuộc hội thoại giữa con trai và con dâu. Nội dung cuộc nói chuyện đó khiến tôi vừa sững người, vừa xấu hổ đến mức không dám đẩy cửa đi vào.
Hóa ra trong 1 năm gần đây, công việc kinh doanh của con tôi trai gặp khá nhiều khó khăn, suốt ngày phải tăng ca để giải quyết sự cố. Đã thế, việc cháu trai tôi phải nhập viện khiến nó vô cùng lo lắng. Chuyện nhà, chuyện cơ quan ập đến cùng một lúc khiến con trai tôi rất áp lực và gần như kiệt sức. Trong lúc nóng giận, nó đã không kiềm chế được mà lớn tiếng với tôi. Điều này cũng khiến con tôi vô cùng hối hận.
Nghe con nói vậy, tôi không những không trách con mà còn cảm thấy có lỗi vô cùng. Trong lúc nó cần đến tôi nhất, tôi lại chẳng thể ở bên động viên, giúp đỡ. Đã thế trong giai đoạn khó khăn này, tôi còn khiến các con phải gánh thêm khoản nợ của mình.
Đúng như con trai nói, có lẽ tôi quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Nếu như biết suy nghĩ cho con cái và chia sẻ với chúng nhiều hơn, có lẽ giờ đây tôi đã không hối hận và cắn rứt như thế này.
(Theo Toutiao)