Đã có nhiều trường hợp bị xử lý, thế nhưng những hậu quả mà các tin đồn này mang lại thì sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài. Theo các chuyên gia thì tin giả trên mạng xã hội có đặc điểm là đánh trúng tâm lý lo lắng của người dân và khả năng lan truyền rất nhanh.
Chính vì thế rất cần trách nhiệm của báo chí chính thống là kịp thời vạch mặt, lên án, chặn đứng các thông tin thất thiệt, nguy hại.
Ngoài ra, để chống lại các thông tin giả mạo này thì các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin sớm để báo chí chính thống đăng tải.
Tránh việc báo chí chưa có thông tin nhưng các tin tức, hình ảnh đã rò rỉ trên mạng xã hội, sau đó bị kẻ xấu biến tấu và làm sai lệch bản chất, gây hoang mang dư luận.
Trên thực tế, nếu chỉ chính quyền và báo chí cùng vào cuộc là chưa đủ, bởi một xã hội muốn chống đỡ được dịch bệnh hay tình trạng tin giả tràn lan thì cần sự chung tay, góp sức từ mỗi người dân.
Chẳng hạn, muốn phòng ngừa lây nhiễm virus thì mỗi người cần thay đổi thói quen, thường xuyên rửa tay kháng khuẩn và đeo khẩu trang. Còn để phòng ngừa tin giả, tin sai lệch thì mỗi người dân không nên hoang mang, lo lắng thái quá, đồng thời trang bị các kiến thức cần thiết.
Khi gặp một thông tin mới, bản thân mỗi người cần bình tĩnh tìm hiểu và tự hỏi bản thân xem có nên lan truyền thông tin đó không? Và khi người dân được trang bị những kiến thức đúng đắn, chỉ chia sẻ các thông tin chính thống thì đại dịch thông tin cùng với đại dịch Covid-19 sẽ không thể lan truyền trong cộng đồng.