Mới đây, Tòa án nhân dân quận Đồng Nam, Trùng Khánh, Trung Quốc đã xét xử một vụ án dân sự vô cùng đặc biệt. Nguyên đơn là anh Lý yêu cầu bị đơn là chị Vương bồi thường 150.000 tệ vì tổn thất tinh thần.
Theo hồ sơ, anh Lý và chị Vương quen biết rồi yêu nhau khi anh Lý chưa từng kết hôn còn chị Vương đã có một đời chồng và đang nuôi một cô con gái nhỏ.
Năm 2008, hai người chính thức nhận giấy đăng ký kết hôn. Sau đó, Vương cùng con gái về sống chung với Lý. Cuộc hôn nhân của họ diễn ra khá êm ấm, hạnh phúc nhưng điều khiến Lý băn khoăn là chờ mãi không thấy vợ "có tin vui".
Sau đó, anh mới biết vợ đã triệt sản trong cuộc hôn nhân đầu tiên. Lý và mẹ nhiều lần yêu cầu Vương làm phẫu thuật khôi phục khả năng sinh nở nhưng bị từ chối. Cho rằng mối quan hệ vợ chồng đang tốt đẹp, anh Lý tạm thời kìm nén sự bất mãn, nghĩ rằng sẽ cố gắng dùng tình cảm để tác động đến vợ. Trong thâm tâm, anh vẫn luôn mong mỏi có một đứa con là máu mủ của mình.
Nhưng 13 năm hết lòng vì vợ con của anh không được đền đáp. Khi con gái riêng đã đến tuổi trưởng thành, lấy lý do tình cảm bất hòa, Vương 2 lần đòi ly hôn chồng vào năm 2019 và 2021.
Thấy vậy, Lý đã yêu cầu vợ phải trả phí tổn thất tinh thần 150.000 tệ cho hơn 10 năm hôn nhân mà vợ không chịu sinh con. Anh hy vọng, khoản tiền đó sẽ khiến vợ rút đơn. Nhưng người vợ vẫn cương quyết ly hôn khiến Lý và bố mẹ vô cùng buồn bã. Không thể kìm lòng được nữa anh Lý đã kiện vợ ra tòa.
Tháng 12, TAND quận Đồng Nam, thành phố Trùng Khánh, bác đơn kiện của Lý. Tòa cho rằng việc sinh con không phải là kết quả tất yếu của hôn nhân, người phụ nữ không phải là công cụ sinh đẻ. Công dân có quyền tự do lựa chọn sinh hay không sinh con.
Cũng theo tòa, giữa anh Lý và con gái của Vương có mối quan hệ bố dượng - con riêng nên Lý có quyền yêu cầu con riêng của vợ thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng lúc về già.
Theo luật pháp, vợ chồng đều có quyền bình đẳng về vấn đề sinh sản. Khi xảy ra xung đột thì bên nam không được đòi quyền lợi của mình trái với ý muốn của bên nữ. Dưới góc độ phân công xã hội và cấu tạo sinh lý, phụ nữ không chỉ đảm đương việc chăm sóc, nuôi dạy con cái nhiều hơn, mà việc mang thai, sinh đẻ, cho con bú đều do một mình phụ nữ gánh chịu vất vả, rủi ro, nam giới không thể làm thay. Vì vậy, phụ nữ được pháp luật ưu tiên bảo vệ quyền lợi khi xảy ra xung đột.
Khi phán quyết của tòa án được đưa ra, đa số ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình. Tuy vậy, cũng có người chê trách chị Vương nếu không muốn sinh con thì cũng nên nói dứt khoát với chồng, tránh để chồng nuôi hy vọng rồi thất vọng như vậy.