Tại Hội thảo “Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của DN” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/5, ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đánh giá, tội phạm hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ rất phức tạp, len lỏi vào mọi ngóc ngách, đời sống xã hội.
Rất nhiều vấn đề bức xúc, ai cũng thấy, ai cũng kêu, báo chí nêu nhiều, các bộ ngành, Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa cao, chưa toàn diện, chưa vững chắc và chưa triệt để.
“Để khởi tố vụ án vi phạm hàng giả rất khó khăn. Chúng tôi phát hiện 7 vụ vi phạm thì chỉ khởi tố được 1 vụ, còn lại xử phạt hành chính.
Khởi tố vụ án phải viện dẫn rất nhiều văn bản pháp luật nhưng chồng chéo, trùng lắp”, ông Trực nói.
Theo ông Trực, các văn bản luật chưa phân biệt rõ ràng về tội phạm hàng giả, gây khó khăn cho việc chứng minh hành vi phạm tội.
Có vụ việc đáng lẽ phải xử lý hình sự nhưng để đỡ tốn thời gian, tiền của; cơ quan chức năng chuyển sang xử lý hành chính.
Đặc biệt, vụ việc tốn nhiều tiền giám định nhưng cơ quan giám định chỉ trả lời chung chung, không thể căn cứ kết quả để khởi tố.
Vấn đề lớn nhất ông Trực nêu ra là thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan chức năng, làm việc theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
“Vừa họp xong 5 phút, đối tượng vi phạm đã biết rồi, mình chưa triển khai quân thì nó đã triển khai trước mình. Phải làm sao để mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng tiến bộ và tốt hơn”, ông Trực bộc bạch.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, văn bản quy định chồng chéo, thiếu rõ ràng, chưa có cơ chế xử lý cán bộ chuyên trách vi phạm.
Ông Bảo lấy dẫn chứng: “Nghị định 185/2013/NĐ/CP quy định bắt được hàng giả hàng nhái có thể loại trừ yếu tố vi phạm. Nhưng trong Nghị định 99/2013/NĐ/CP lại bảo bắt được là tịch thu, tiêu hủy.
Vậy phải theo kiểu nào. Chơi kiểu nào là do mấy anh QLTT và công an xử thôi chứ có gì đâu. Thích kiểu gì chơi kiểu đó, luật của chúng ta như thế”.