Đó là đêm tuyết rơi dày của 16 năm về trước, anh trai tôi đi săn từ núi sâu trở về.
Săn không được gì nhưng anh lại dắt theo một bé gái chừng 7 tuổi đang run lên vì rét. Không nói gì nhiều, anh chỉ bảo vợ mau lấy quần áo thay rồi đưa cô bé đi rửa ráy.
Bé gái khi đó vì quá sợ hãi nên đứng nép vào góc tường, bất động. Đưa mắt nhìn nhanh một lượt từ đầu đến chân, chị dâu phát hiện mái tóc rối xù của cô bé lòa xòa xuống mặt, che mất một phần đôi mắt không quá to nhưng rất sáng và đẹp. Trên người, quần áo đã rách nhiều chỗ.
Cho đến khi giúp cô bé tháo giày ra rửa chân, chị dâu mới phát hiện thêm rằng đôi giày cũ nát cũng đã bị ướt sũng, khiến đôi chân bé thâm tím vì lạnh giá. Chị nhanh chóng lấy nước ấm rửa sạch chân, lấy khăn lau khô rồi đưa cô bé lên giường ngủ.
Đêm đó, chị không ngủ. Vừa ngồi nhìn bé gái ngủ, chị vừa làm cho nó một đôi giày mới. Ngày hôm sau, khi tôi tỉnh dậy, chị dâu đã làm xong đôi giày mới đặt cạnh đứa trẻ lạ.
Cứ như thế, nó ở lại với gia đình tôi, với anh chị tôi. Chị dâu coi bé gái đó không khác gì con đẻ.
Nửa tháng sau, chị làm cho nó một chiếc túi đi học hệt như của tôi, có thêu hoa sen rất đẹp và xin cho nó đi học cùng trường với tôi.
Cô bé gần như không nói không cười. Thi thoảng lắm, tôi mới nghe nó nói vài câu, giọng không phải người địa phương chúng tôi.
Anh trai tôi kể lại rằng, ngày hôm đó đi săn về, khi đi qua một ngôi nhà bỏ hoang nhiều năm, anh bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc thút thít.
Bước vào trong, anh phát hiện ra trước mặt đứa trẻ là một thi thể phụ nữ dường như đã chết được vài ngày. Trên mặt đất vương vãi vài mẩu khoai lang.
Cô bé không ngừng khóc. Theo quan sát của anh, dường như tất cả quần áo ấm mà hai mẹ con có, người mẹ trước khi chết đã mặc cả lên người con gái. Nếu không có anh tôi đi ngang qua, có lẽ cô bé không chết vì đói cũng sẽ chết vì rét.
Nghĩ ngợi một hồi, anh quyết định cõng đứa trẻ miệng không ngừng gọi mẹ về nhà. Từ hôm đó, chị dâu bảo tôi gọi cô bé là Tiểu Nha.
Ảnh minh họa.
Tiểu Nha rất thông minh. Bỏ học đã lâu nhưng những bài nào không hiểu, tôi chỉ cần nói qua là cô bé biết cách làm.
Những ngày đi học, bất kể khi nào trời có mưa, tuyết, chị dâu dù đang mang bầu nhưng vẫn cất công đến trường đón chúng tôi. Tôi nói có thể lo cho Tiểu Nha được, chị không cần phải đến đón nhưng chị vẫn không yên tâm.
Tôi nhỏ hơn anh cả rất nhiều. Trước khi chị về làm dâu, anh cả và bố tôi thường xuyên vào rừng săn bắt, tôi được anh hai ở nhà chăm sóc.
Từ sau khi có chị dâu, cuộc đời tôi như được bước sang trang mới. Tôi không còn phải mặc áo rách, chỉ một vết thủng cũng được chị dùng những hình thêu sinh động che đi, nhìn thật đẹp mắt.
Sau khi vào cấp 2, tôi và Tiểu Nha bắt đầu ở nội trú. Bất chấp trời mưa gió, chị vẫn đều đặn lặn lội đường núi mang đồ ăn đến cho chúng tôi. Anh cả vì nuôi chúng tôi ăn học nên đã quyết định bỏ nghề săn để lên thành phố làm thuê.
Thời gian cứ thế trôi đi cho đến khi Tiểu Nha thi lên cấp 3 và kết quả rất tệ. Kể từ sau đó, cô bé bỏ học. Chị dâu tôi muốn con đi học trở lại nhưng nó nhất định không nghe. Chỉ có tôi biết rằng, Tiểu Nha đã cố ý làm sai bài thi, vì kết quả học tập của nó lâu nay rất tốt.
Sau khi nghỉ học, cô bé theo anh trai tôi đến thành phố làm thuê trong một công ty điện tử. Tiền lương hàng tháng hầu như Tiểu Nha tiêu rất ít, phần lớn đều gửi về hỗ trợ gia đình.
16 năm là người một nhà và hồi kết ý nghĩa dành tặng chị dâu
Khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học, Tiểu Nha lấy chồng. Vào ngày hôm đó, cô bé quỳ xuống chân chị dâu tôi nhất định không chịu đứng lên. Chị dâu một tay kéo con đứng dậy, một tay gạt nước mắt.
Kể từ khi vào nhà chúng tôi, dù không nói nhiều nhưng tôi biết Tiểu Nha đã vì gia đình chúng tôi rất nhiều. 16 năm qua, dù cô bé chưa một lần gọi chị dâu một tiếng mẹ nhưng chị dâu vẫn coi nó như con đẻ của mình.
Khi màn cảm tạ bịn rịn chưa kết thúc, chị tôi bất chợt rút một cuốn sổ tiết kiệm đặt vào tay cô con gái nuôi.
"Con cầm lấy số tiền này, mẹ già rồi không có khả năng kiếm tiền nên số tiền này là công sức lao động của con lâu nay, mẹ giữ hộ con. Các con lấy nhau, hãy cầm số tiền này mà mua sắm thêm đồ đạc hoặc làm vốn liếng để làm ăn."
Tiểu Nha từ chối, nhất định không chịu nhận. Nhưng về sau, vì chị dâu tôi kiên quyết nên cô bé mới nhận cuốn sổ tiết kiệm.
Cô con gái nuôi bước lên kiệu hoa, đi một đoạn rất xa, chị tôi vẫn đứng nhìn theo. Bất chợt, Tiểu Nha ngó đầu ra, gọi lớn: "Mẹ, mẹ về đi, mẹ về đi".
Không biết từ lúc nào, nước mắt tuôn trào trên khuôn mặt người phụ nữ chất phác, đôn hậu. Cả một vùng sơn cốc vang vọng tiếng gọi mẹ của cô cháu gái tôi.