Bi kịch của một người phụ nữ
Hoàng hôn dần buông xuống trên những con phố ở thành phố Serpukhov, phía Nam Moscow, Nga, Margarita Gracheva đưa hai cậu con trai nhỏ đến sân chơi cho trẻ em.
2 cậu nhóc thích thú chạy lên phía trước và ngồi vào chiếc xích đu rồi lại chạy sang phía cầu trượt.
Margarita nói: "Các con của tôi khá độc lập so với tuổi của chúng. Có lẽ vì chúng biết rằng mẹ không thể cài cúc áo hay buộc dây giày cho mình nên chúng tự làm khá thành thạo".
Sáng 11/12/2017, chồng của Margarita, Dmitri, ngỏ ý muốn chở vợ đến chỗ làm và tất nhiên cô đồng ý.
Thế nhưng, chiếc xe không đi đúng hướng mà ngược về phía khu rừng gần nhà. Hắn dừng xe, kéo Margarita ra khỏi chiếc xe, lôi chiếc rìu mà hắn đã chuẩn bị sẵn và bổ nhiều nhát lạnh lùng xuống cả 2 tay vợ.
Sau đó, Dmitri thản nhiên chở vợ vào khoa cấp cứu của bệnh viện địa phương rồi lái xe đến đồn cảnh sát để đầu thú.
Margarita và Dmitri quen nhau từ hồi còn học trung học. Lên đại học, cả 2 vẫn giữ liên lạc rồi dần dần trở thành người yêu.
Margarita cảm thấy hạnh phúc với tình yêu ấy mặc dù người yêu của cô rất dễ nổi cáu vì những chuyện nhỏ nhặt, thậm chí hắn còn thề rằng hắn sẽ giết cô nếu cô không chung thủy với hắn.
Bất chấp tất cả, Margarita vẫn yêu điên dại!
Gia đình của Margarita thời còn yên ấm.
Sau khi kết hôn, họ lần lượt chào đón 2 cậu con trai kháu khỉnh. Mối quan hệ của họ gặp nhiều trục trặc nghiêm trọng hơn khi Margarita bắt đầu làm việc tại bộ phận quảng cáo của tờ báo Serpukhov.
Mặc dù có bằng cấp nhưng Dmitri chỉ có thể tìm được công việc lái xe bình thường. Thấy sự nghiệp của vợ phát triển hơn, Dmitri nảy sinh lòng đố kỵ và còn tỏ ý ghen tuông với các đồng nghiệp nam của vợ.
Cứ về đến nhà hắn lại mang bản mặt lạnh lùng, khó chịu.
Quá mệt mỏi khi phải sống chung với một người chồng không còn tin tưởng mình, Margarita đề nghị ly hôn để giải thoát cho nhau nhưng hắn ta phớt lờ. Đến khi cô đưa tờ giấy ly hôn đã soạn sẵn thì hắn nổi khùng lên.
Có lần hắn ra tay hành hung vợ giữa đêm khuya trong phòng ngủ khiến 2 đứa trẻ thức giấc, chúng nhìn thấy vết bầm tím khắp cơ thể mẹ. Một lần khác, Dmitri đe dọa vợ bằng dao khiến Margarita phải gọi cho cảnh sát.
“Tôi đã viết một lá đơn trình báo và cảnh sát nói sẽ liên hệ với tôi sau 20 ngày. Trong đơn, tôi nhấn mạnh việc anh ta đã cố giết tôi hơn 20 lần”, cô kể.
Thế nhưng lá đơn của cô không hề được ngó ngàng tới. Chỉ 5 ngày sau, Margarita bị chồng chặt tay.
Bàn tay trái đứt lìa của Margarita được nhặt về từ trong rừng và được nối liền nhờ cuộc phẫu thuật kéo dài 9 giờ, tay còn lại phải lắp tay giả.
Một chiến dịch gây quỹ cộng đồng đã quyên góp được 6 triệu rúp (1,9 tỷ đồng) để Margarita trả chi phí phẫu thuật.
Sau đó, người mẹ 2 con bị mất một bên tay đã kể lại hành trình phục hồi của mình bằng cuốn sách truyền động lực mang tên Happy Without Hands (tạm dịch: Vẫn hạnh phúc dù thiếu đôi tay).
Margarita đã xuất bản cuốn sách Happy Without Hands (tạm dịch: Vẫn hạnh phúc dù thiếu đôi tay) kể về cuộc đời của mình.
“Điều khủng khiếp lớn nhất tôi phải đối mặt là cố gắng khiến chính người mình từng gọi là chồng phải ngồi tù lâu hơn.
Muốn làm điều đó, tôi nhờ đến sự giúp đỡ từ truyền thông”, Margarita nói. Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, cô khiến chồng phải ngồi tù 14 năm.
"Khủng hoảng" bạo lực gia đình
Luật pháp Nga quy định những kẻ gây bạo lực gia đình lần đầu sẽ không phải vào tù nếu họ không gây thương tích nặng.
Giờ đây, Margarita đã trở thành một nhà hoạt động xã hội, cô đang nỗ lực hết mình để các nhà chức trách ban hành các đạo luật nghiêm khắc hơn trừng trị những kẻ gây ra bạo lực gia đình.
Các nhà vận động gọi vấn đề này ở Nga là "khủng hoảng" bạo lực gia đình bởi bạo lực gia đình được xem là vấn nạn nhức nhối ở nước này nhưng lại không nhận được quan tâm đúng mức.
Nga không lưu trữ số liệu thống kê về những cái chết phát sinh từ bạo lực gia đình. Nhưng Bộ Nội vụ nước này cho biết 40% tội ác nghiêm trọng và bạo lực xảy ra trong gia đình.
Ước tính mỗi năm có hàng trăm phụ nữ chết vì nguyên nhân đến từ nạn bạo lực gia đình. Các nhà hoạt động xã hội e ngại con số sẽ còn gia tăng, thậm chí đến một ngày nào đó, người ta lại có thể “hợp pháp hóa” bạo lực gia đình.
Nhiều người cho rằng vấn đề bắt nguồn từ chính nhận thức của người dân nước này về vấn nạn bạo hành gia đình.
Bởi không chỉ đàn ông giữ tư tưởng có quyền dùng bạo lực, ngay cả phụ nữ cũng mắc sai lầm khi mặc định rằng chồng bạo hành vợ con không có gì là sai trái cả.
Bên cạnh đó, Mari Davtyan, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, người đại diện cho Margarita, nói rằng các vụ án đã giúp chính phủ hiểu rằng họ đang không xử lý bạo lực theo cách đúng đắn.
Năm 2018, nước Nga rúng độ khi nghe tin 3 cô gái Krestina (19 tuổi), Angelina (18 tuổi) và Maria (17 tuổi) giết hại chính cha đẻ của mình.
Tuy nhiên, không phải bỗng dưng mà những cô gái tuổi teen ấy giết người. Các bằng chứng cho thấy ông Mikhail thường xuyên đánh đập các con của mình trong 3 năm liên tiếp, tra tấn và nhốt họ như tù nhân để lạm dụng tình dục.
Bất chấp những bằng chứng về việc 3 cô gái bị lạm dụng, vào tháng 6 năm 2019, các công tố viên đã truy tố cả 3 về tội giết người.
Trước đó, 2 tháng sau khi xảy ra vụ án, 3 chị em được thả ra khỏi nơi giam giữ sau khi luật sư của họ gửi kháng cáo và trong lúc chờ cảnh sát điều tra, họ được ở cùng người thân để chờ ngày xét xử.
Vụ án 3 cô gái trẻ giết cha từng gây rúng động xứ sở bạch dương.
Khi đó, một cuộc tranh luận về bạo lực gia đình nổ ra ở xứ sở bạch dương. Trường hợp của 3 chị em nhà Khachaturyan đã cho thấy "lỗ hổng" trong hệ thống pháp luật của Nga.
Nga không có luật pháp cụ thể để xác định, ngăn chặn hoặc truy tố hành vi bạo lực gia đình. Cảnh sát Nga thường coi vấn đề lạm dụng trong gia đình là vấn đề riêng tư, và hầu như rất ít hoặc không hề can thiệp.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng 3 chị em không phải tội phạm mà là nạn nhân vì họ không có cách nào nhận được sự giúp đỡ và bảo vệ họ khỏi người cha vũ phu.
Họ cũng sợ người khác bị ảnh hưởng nếu cố gắng tìm cách giúp đỡ họ. Nhưng ở Nga, không có luật bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.
Một người biểu tình cầm một tấm bảng với thông điệp: "Nạn nhân bạo lực gia đình cần được hỗ trợ chứ không phải ở tù" trên cầu Patriarshy ở thành phố Moscow.
Theo luật sửa đổi vào năm 2017, người phạm tội đánh đập thành viên trong gia đình lần đầu nhưng không dẫn đến phải nhập viện sẽ chỉ bị phạt tiền hoặc giam giữ tối đa 2 tuần.
Các nhà hoạt động xã hội vẫn ngày ngày đấu tranh đòi bình đẳng và quyền được bảo vệ của phụ nữ Nga, thay đổi lối suy nghĩ cổ hủ, sai lầm của nhiều người.
Bà Elena Kalinina, giám đốc ngành quảng cáo, nhớ lại chính mẹ bà là người dạy con gái phải biết từ bỏ mọi thứ nếu muốn lấy chồng: “Mẹ là người có kinh nghiệm. Nếu chồng đánh con nghĩa là cậu ta yêu con”.
Elena cho rằng sự mất cân bằng giới tính của đất nước (với tỉ lệ 79 triệu phụ nữ trên 68 triệu nam giới) là một trong những nguyên nhân khiến cho phụ nữ dễ bị coi thường trong các mối quan hệ.
Người biểu tình đấu tranh chống bạo lực gia đình.
Các nhà lập pháp và các nhà hoạt động xã hội ở Nga đã cố gắng thông qua dự luật bạo lực gia đình trong nửa thập kỷ.
Người đứng đầu thượng viện trong Quốc hội Nga, bà Valentina Matviyenko, nói rằng bạo lực gia đình sẽ là vấn đề ưu tiên trong phiên họp diễn ra hồi cuối năm ngoái.
Một quan chức chính phủ có ảnh hưởng khác, nhân viên kiểm soát nhân quyền Tatyana Moskalkova, vào mùa hè năm 2019 đã kêu gọi các nhà chức trách nhanh chóng đưa ra một đạo luật chống lại bạo lực đối với phụ nữ.