Đã gần 5 năm chung sống, anh José Lazaro Dias Da Silva vẫn chưa hết ngỡ ngàng với cách vợ mình nấu nướng. Trong khi Kim Hồng (quê Long An, hiện sống cùng chồng con tại Brazil) vui mừng ra mặt khi tìm thấy những loại rau quen thuộc như hồi còn ở quê nhà, anh José lại tỏ ra dè dặt.
Kim Hồng kể, mỗi khi vợ sai ra đường hái rau về ăn, anh José lại liếc mắt nhìn vợ đầy nghi hoặc. Mới đây, khi vợ bảo ra chặt mấy cây chuối non trước nhà, anh liên tục chất vấn: "Em lấy về làm gì?".
Khi biết vợ định làm gỏi gà với thân chuối, anh chồng người Brazil liền bĩu môi, tỏ vẻ sợ hãi. Anh lầm bầm: "Sao em bắt chồng ăn cỏ không vậy?".
Kim Hổng cho biết, ở Việt Nam, những cây chuối dùng làm gỏi thường là cây trưởng thành, thân mập, người ta sẽ tước bớt lớp ngoài già để ăn phần lõi cho khỏi chát. Nhưng thân chuối mật Brazil lại hoàn toàn không có vị chát, chỉ có rất nhiều nhựa. Vì thế, cô chọn cây non để làm gỏi.
"Ở miền Tây quê mình, mọi người thường trộn thân chuối với thịt vịt, ít khi trộn với thịt gà lắm. Nhưng nhà mình thích thịt gà hơn nên trộn gỏi với thịt gà", Kim Hồng lý giải.
Để món gỏi hấp dẫn và có nhiều màu sắc hơn, cô trộn thêm cà rốt, dưa chuột, rau thơm và ăn cùng với phồng tôm.
Đến khi dọn món, Kim Hồng bật cười khi thấy chồng rón rén không dám gắp. Anh thậm chí còn... bắt vợ ăn trước, thấy êm êm rồi mới nếm thử một miếng.
Ăn xong, anh chàng liền thay đổi thái độ, vừa ăn vừa hát, tỏ vẻ thích thú. José quay sang "nịnh" vợ bằng tiếng Việt: "Vợ ơi, gỏi cây chuối ngon lắm". Kim Hồng nhân tiện flex luôn ẩm thực Việt Nam, thuyết minh với chồng về sự đa dạng của thực phẩm cũng như sự sáng tạo của người Việt.
Cô không quên khoe, với cây chuối, người Việt có thể sử dụng từ thân, cây, trái, củ để làm thức ăn, ngay cả lá cũng có thể dùng gói bánh, gói giò. Cô cũng "dằn mặt" chồng: "Đó, sau vợ bảo hái lá gì thì cứ làm theo, rau ăn được em mới nấu, chứ đừng nghĩ là em làm tào lao nha!".
Nàng dâu Việt kể thêm, hồi mới sang Brazil sống, cô thấy việc đi chợ, nấu nướng rất vất vả vì không thể tìm được những loại rau như ở quê nhà. Đặc biệt, rau thơm, rau gia vị rất hiếm, mua cũng khó.
Sau này, cô phát hiện ra nhiều loại rau mình yêu thích được mọc hoang, nên rất hào hứng với việc "nhặt cỏ" về ăn.
"Ở đây nhiều loại rau có mà người dân họ không biết ăn. Ví dụ như rau dền cơm, rau má, mọc hoang nhiều, người ta toàn gọi là cỏ. Hoa chuối, cây chuối họ cũng không coi là rau.
Ở đây cũng có mướp, nhưng người dân trồng mướp để lấy xơ rửa bát. Còn cây dọc mùng họ lại trồng lấy lá ăn, thân đem cho thỏ ăn.
Mới đầu mình nấu nướng theo kiểu Việt, nhà chồng ngạc nhiên lắm, cũng sợ không dám ăn. Sau quen rồi thì lại hào hứng, món nào cũng ăn được và khen ngon", Kim Hồng cho biết.
Nguồn: Mẹ & Sam cuộc sống Brazil