Nơi chuột đồng là đặc sản ở Hà Nội: Thợ săn lùng sục giữa đêm cố đạt KPI bắt 30kg, bỏ túi tiền triệu

Bích Chi |

Mùa chuột đồng ngắn ngủi, các thợ săn phải vận dụng hết kỹ năng để săn tìm đặc sản này.

Săn chuột đồng đêm, kiếm bộn tiền sau mùa gặt

Khác với lũ chuột nhà, chuột cống gắn với hình ảnh ghê sợ, ai cũng muốn né cho xa, chuột đồng lại là thức ăn khoái khẩu của nhiều người. Ở ngoại thành Hà Nội, huyện Thanh Oai, mùa này đang là mùa săn chuột đồng.

Trên những cánh đồng vừa gặt xong, hoặc những ruộng hoa màu, bầy chuột đồng sinh sôi nảy nở trở thành đối tượng truy tìm của những thợ săn. Chuột nhanh thoăn thoắt thì thợ săn cũng có kỹ năng thượng thừa. Những đêm săn chuột đồng được họ mô tả là cuộc "bày binh bố trận", vừa đấu trí vừa đấu sức, giằng co giữa hai bên.

Nơi chuột đồng là đặc sản ở Hà Nội: Thợ săn lùng sục giữa đêm cố đạt KPI bắt 30kg, bỏ túi tiền triệu- Ảnh 1.

Chuột đồng thường rộ lên sau mùa gặt, là mùa chúng ăn đẫy, no nê, nên béo múp, thơm thịt

Săn chuột đồng có ca ngày và ca đêm. Ban ngày, người ta sẽ dùng cuốc đào hang, hun khói, đổ nước để dồn chuột chạy khỏi hang và tóm sống; còn ban đêm, chuột chạy khỏi hang đi ăn, người ta sẽ soi theo đường di chuyển.

Anh Mai Xuân Quyết (Thanh Oai, Hà Nội), một thợ săn chuột đồng chuyên làm ca đêm tiết lộ: "Chỉ cần nhìn vào mắt, chúng tôi có thể biết cánh đồng nào có thể có chuột, cánh đồng nào không. Trước khi xuống ruộng, chúng tôi thường soi vết chân đi, vệt chạy.

Nếu có đường mòn, vết chân, cùng với hoa màu bị cắn thì biết chuột đang "dọn đường" ra hang, dò một hồi thể nào cũng thấy. Còn trong ruộng mà không có vệt chạy thì thường sẽ không có chuột đồng, có tìm cả đêm cũng chỉ mất công".

Nơi chuột đồng là đặc sản ở Hà Nội: Thợ săn lùng sục giữa đêm cố đạt KPI bắt 30kg, bỏ túi tiền triệu- Ảnh 2.

Cảnh bắt chuột đồng

Các thợ săn chuột đồng thường đi theo tốp 4 - 5 người. Khi phát hiện con mồi thì sẽ quây thành vòng, lùa chuột vào luống đất. Lúc này, mọi người người sẽ phân nhiệm vụ, người bới đất lùa chuột ra ngoài, người thì dùng vợt đợi sẵn để đón lõng.

Khi chuột chạy ra ngoài, phải nhanh tay chộp lấy, dùng dụng cụ bẻ răng rồi cho vào túi.

Nơi chuột đồng là đặc sản ở Hà Nội: Thợ săn lùng sục giữa đêm cố đạt KPI bắt 30kg, bỏ túi tiền triệu- Ảnh 3.

Bắt chuột đồng ban đêm đòi hỏi tập trung cao hơn

Ông Đặng Đình Thúc, người có hơn 30 năm kinh nghiệm bắt chuột đồng ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai cho rằng, để bắt được chuột đồng không hề dễ dàng. Thợ săn phải nhanh tay nhanh mắt, có sức khỏe, dẻo dai, bền bỉ và đặc biệt phải hiểu được đường đi nước bước của chuột.

"Mỗi buổi đi bắt chuột đồng chẳng khác gì tập trận. Chúng tôi phải đi theo nhóm, làm việc ăn ý, đoàn kết với nhau chứ không được làm riêng lẻ từng người, chạy loạn lên sẽ rất mệt mà không được gì", ông nói.

Nơi chuột đồng là đặc sản ở Hà Nội: Thợ săn lùng sục giữa đêm cố đạt KPI bắt 30kg, bỏ túi tiền triệu- Ảnh 4.

Sau khi bắt được chuột đồng, thợ săn phải bẻ răng để chúng không cắn người, và không cắn nhau

Ở những khu vực nhiều chuột, mỗi đêm tốp thợ có thể bắt được hơn 30kg, xong sớm về sớm. Nếu không, họ sẽ cố làm đến tờ mờ sáng, ít nhất cũng phải bắt đủ chừng 25kg mới gọi là đủ KPI cho một đêm "xuất trận".

Món đặc sản gây nghiện

Các thợ săn chuột đồng hầu hết là người có kinh nghiệm làm đồng áng, gắn liền với ruộng đồng. Việc bắt chuột chỉ là việc thời vụ, hết mùa, họ sẽ trở về với công việc thường lệ.

Thu nhập từ những đêm đi săn chuột đồng rất hấp dẫn, cũng không bị cạnh tranh quá nhiều, bởi không phải ai cũng có đủ kỹ năng để làm công việc này. Tùy vào thời điểm, mỗi cân chuột đồng được bán với giá 180 nghìn - 220 nghìn.

Điều đặc biệt là, các thợ săn không cần lo đầu ra, vì chuột đồng không bao giờ ế. Họ thường nhận được đặt hàng trước của quán ăn trong vùng hoặc khách quen chứ không phải đem ra chợ bán bao giờ.

Nơi chuột đồng là đặc sản ở Hà Nội: Thợ săn lùng sục giữa đêm cố đạt KPI bắt 30kg, bỏ túi tiền triệu- Ảnh 5.

Chuột đồng làm sạch lông sẽ được thui rơm trước khi chế biến thành các món ngon

Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những nguy cơ tai nạn như bị chuột cắn trong quá trình săn bắt, ham chuột mà chạy vào khu vực cỏ, lúa bị cắt vát, bị gai đâm vào chân tay...

Một thợ săn lâu năm tiết lộ, dù cẩn thận và có kinh nghiệm, anh cũng nhiều lần bị chuột cắn hàng chục nhát vào tay, về nhà sưng nhức mấy ngày liền.

Theo cánh thợ săn, khác với chuột nhà, chuột cống có nhiều nguy cơ, chuột đồng là thức ăn khá lành. Chuột đồng sinh trưởng tự nhiên, chỉ ăn lúa và hoa màu, không thể nuôi nên thịt thơm ngon.

Nơi chuột đồng là đặc sản ở Hà Nội: Thợ săn lùng sục giữa đêm cố đạt KPI bắt 30kg, bỏ túi tiền triệu- Ảnh 6.

Chuột đồng thui rơm

Chuột đồng có hình dáng bên ngoài khá giống chuột nhắt, nhưng thân thể chắc khỏe hơn, đuôi ngắn hơn và có lông. Đầu chuột đồng cũng hơi tròn và mắt, tai nhỏ hơn loại chuột khác. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là chuột đồng thường có đám lông màu vàng trên ngực chứ không xám đều như chuột nhà.

Thịt chuột đồng cũng có hương vị khác biệt, được người sành ăn ví là tương tự như thịt thỏ, không hề có mùi tanh, ngái như chuột nhà. Do đó, chuột đồng xịn khó mà bị trà trộn, dù giao bán nguyên con hay đã làm sạch, thui rơm.

Nơi chuột đồng là đặc sản ở Hà Nội: Thợ săn lùng sục giữa đêm cố đạt KPI bắt 30kg, bỏ túi tiền triệu- Ảnh 7.

Chuột đồng có thể làm được nhiều món ăn hấp dẫn

Thịt chuột đồng là món ăn đặc sản, giá cao nhưng cũng có khả năng "gây nghiện" với nhiều người. Người ta sáng tạo ra những món ăn khác nhau từ thịt chuột đồng, nào là hấp lá chanh, hấp lá bưởi, nướng, chiên giòn, giả cầy, xào sả ớt..., mỗi món mỗi hương vị.

Đặc sản này cũng chỉ có trong thời gian ngắn, nên ai lỡ mê cũng phải thu xếp ăn bằng được.

Nơi chuột đồng là đặc sản ở Hà Nội: Thợ săn lùng sục giữa đêm cố đạt KPI bắt 30kg, bỏ túi tiền triệu- Ảnh 8.

Chuột đồng chiên sả ớt

Nguồn tham khảo: VTC Now

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại