Nếu nhắc đến một làn sóng tác động mạnh mẽ đến thị trường tuyển dụng thời gian qua thì không thể quên bão sa thải. Hàng loạt doanh nghiệp tuyên bố sa thải nhân viên cũ, ngừng tuyển dụng lao động mới khiến cho nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Thậm chí, nhiều nhân sự còn khuyên nhau không nên nghỉ việc trong thời gian này vì khó tìm thấy công việc mới phù hợp. Tuy nhiên, giữa làn sóng bão sa thải căng thẳng, vẫn có những người trẻ quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, mà không cần sếp "yêu cầu" rời đi.
Tại sao người trẻ nộp đơn xin nghỉ việc?
Cách đây vài tháng, Tuyên Hoàng (SN 1993) quyết định nghỉ công việc ổn định giữa bao sa thải để dành thời gian cho bản thân. Không chỉ thế, anh còn chuyển về Hà Nội sinh sống sau 4 năm làm việc tại TP.HCM để bắt đầu chuỗi những ngày làm điều mình thích ở tuổi 30.
Trước đó, Tuyên Hoàng có nguồn thu nhập tốt từ công việc Art Director (Giám đốc nghệ thuật), job freelance bên ngoài và đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, anh lại thấy kiệt sức vì làm nhiều công việc cùng lúc mà không có thời gian dành cho bản thân.
"Mình chọn nghỉ việc là do thấy môi trường không còn phù hợp. Mình cũng muốn ở cột mốc tuổi 30, bản thân có một khoảng dừng lại để suy nghĩ kỹ hơn về kế hoạch cho 5 năm tới. Quan điểm của mình là: 'Thà chậm một phút chứ không chọn nhầm'", Tuyên Hoàng chia sẻ.
Tuyên Hoàng (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh đó, những năm tháng sống ở TP.HCM đã giúp Hoàng nhận ra tầm quan trọng của gia đình với bản thân. Do đó, anh càng quyết tâm chuyển về Hà Nội để sống gần nhà và bắt đầu lại từ đầu.
Một trường hợp khác chọn nghỉ việc giữa thời điểm bão sa thải là Hoàng Nhi (24 tuổi). Cô nàng nghỉ việc vì quá mệt mỏi với công ty cũ, cần thêm thời gian để nghỉ ngơi. Trước đó, Hoàng Nhi kiếm được 20-30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, một mức lương tốt cũng không đủ kéo cô tiếp tục đi làm, bất chấp thị trường lao động còn nhiều khó khăn.
Nên chuẩn bị tài chính thế nào khi nghỉ việc giữa bão sa thải?
Dù đang nghỉ việc tạm thời, tuy nhiên Hoàng Nhi vẫn tự tin một năm tới vẫn có thể sống tốt. Bởi cô nàng có tài khoản tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng.
Mặt khác, Hoàng Nhi cũng lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tránh tiêu xài phung phí trong thời gian này. Nếu như trước khi nghỉ việc, Hoàng Nhi tiêu khoảng 12 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện tại, cô tính mình chỉ xài 8 triệu đồng sau khi đã cắt đi nhiều khoản chi phí.
"Mình đã cắt nhiều khoản chi phí như mua quần áo, uống trà sữa... Số tiền 8 triệu đồng này bao gồm tiền thuê nhà 3 triệu/tháng (đã tính điện nước), tiền ăn uống 3 triệu và 2 triệu cho những vấn đề phát sinh. Thời điểm này mình cũng không về quê vì vẫn muốn đi tìm việc mới", Hoàng Nhi tâm sự.
Nhiều người trẻ đã cắt giảm chi tiêu sau khi nghỉ việc (Ảnh minh hoạ)
Cùng quan điểm bản thân nên chi tiêu tiết kiệm trong giai đoạn thất nghiệp là Mai Anh (24 tuổi). Cách đây không lâu, cô nàng cũng vui vẻ nộp đơn nghỉ việc dù chỉ có khoảng 30 triệu đồng trong tài khoản.
"Nếu khi có công việc thu nhập ổn định, mình thường tiêu 10-15% lương cho mua sắm thì giờ mình đã quyết định chỉ mua nếu thực sự cần hoặc có dịp đặc biệt. Mình cũng không tham gia quá nhiều buổi tụ tập như trước nữa để có thời gian đầu tư phát triển bản thân cũng như lên kế hoạch tìm kiếm công việc tiếp theo", Mai Anh nói.
Còn với Tuyên Hoàng, chỉ sau 2 tháng nghỉ việc, anh đã tiêu khoảng 50 triệu đồng cho việc mua sắm. Khoản chi tiêu này khá lớn bởi Hoàng mới chuyển từ TP.HCM về Hà Nội nên cần sắm nhiều đồ để ổn định cuộc sống. Hơn nữa, mục đích của lần thất nghiệp tạm thời này là để chữa lành cho bản thân nên anh cũng quyết định chi "mạnh tay" cho sở thích cá nhân.
Tuyên Hoàng cho hay: "Mình dành 20 triệu để đi du lịch, 2 triệu tham gia học khoa học và workshop dạy kỹ năng. Ngoài ra, mình mất khoảng 5 triệu để đi ăn uống, cafe với mọi người. Còn lại 15 triệu đồng mình dùng để mua thêm đồ cho bản thân. Vì mình vừa chuyển về Hà Nội nên còn cần nhiều đồ dùng khác".
Với Tuyên Hoàng, chuẩn bị tài chính bao nhiêu là điều mà bạn nên cân nhắc khi quyết định nộp đơn xin việc. Hoàng tâm sự đã chuẩn bị sẵn số tiền tiết kiệm là 1 năm tiền lương trước khi chuyển về Hà Nội sống cùng gia đình.
"Tài chính là một yếu tố quan trọng mà bạn nên cân nhắc kỹ. Nó càng cần thiết hơn nếu bạn hoàn toàn tự lập và không có hỗ trợ từ phía gia đình. Do đó, mình nghĩ các bạn không nên nghỉ việc nếu như chưa có kinh tế đủ mạnh.
Cá nhân mình nghĩ nên tích lũy được ít nhất 6 tháng lương mới nên xin nghỉ việc, nhiều hơn càng tốt. Bởi thời điểm này kinh tế suy thoái, tình trạng sa thải nhân sự đang diễn ra và nhiều công ty cũng không tuyển mới nhân sự. Ngoài ra, bạn nên có sẵn mối quan hệ đủ vững để dễ dàng tìm cơ hội việc làm hoặc có nguồn thu nhập thụ động để tránh rơi vào tình cảnh khó khăn sau khi lỡ 'thất nghiệp'", Hoàng nhắn nhủ.