Chôn chất thải của Formosa: 'Sự không minh bạch của một... đại gia'

Hoàng Đan |

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã yêu cầu các cơ quan chức năng Hà Tĩnh làm rõ và báo cáo vụ chôn lấp chất thải của Formosa trước ngày 14/7.

Nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật

Thông tin về việc hơn 100 tấn bùn thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đến chôn trái phép tại 1 trang trại ở thị xã Kỳ Anh, gây ô nhiễm môi trường đang khiến dư luận hết sức quan tâm.

​Trao đổi với chúng tôi, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài đã ký ban hành Công văn số 1567/TCMT-QLCT&CTMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tình đề nghị khẩn trương phối hợp với các bên liên quan làm rõ.

 Đồng thời, báo cáo về Tổng cục Môi trường trước ngày 14/7/ 2016. Cùng với đó, xử lý các sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo thông tin, hiện các lực lượng chức năng đã lấy mẫu chất thải và đưa ra Hà Nội để tiến hành kiểm tra, phân tích rõ xem đây là những chất gì, có thành phần ra sao, có phải là chất thải nguy hại không...

Chôn chất thải của Formosa: Sự không minh bạch của một đại gia - Ảnh 1.

100 tấn chất thải rắn từ công ty Formosa được chôn lấp trong trang trại.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1, trong quá trình hoạt động, Formosa thải ra một lượng cực lớn chất thải rắn gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại.

Riêng với nhóm chất thải rắn công nghiệp có khối lượng thải ra lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm với môi trường. Đáng lưu ý nhất là chất thải từ hệ thống xử lý nước thải cốc, phân xưởng nung vôi. 

Cũng theo bản đánh giá tác động môi trường của dự án, lượng bùn này sẽ được tuần hoàn một phần, phần còn lại đem đi chôn.

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - ĐH Công nghiệp TP HCM, do nước thải của quá trình luyện cốc chứa nhiều tạp chất như phenol, xyanua và thành phần chất hữu cơ khá nhiều nên phải lợi dụng phương thức sinh hóa để xử lý. 

Sau khi xử lý nước thải luyện cốc, qua lắng cô đặc và máy khử nước, bùn thải sẽ được chế thành các bánh bùn. 

Các bánh bùn này có thể vẫn còn chứa nhiều tạp chất độc hại, kim loại nặng nên được chia thành 2 loại là độc hại và rất độc hại

Do đó, để xử lý thì chất thải rắn công nghiệp phải được phân định, phân loại và lưu giữ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý. 

Chôn chất thải của Formosa: Sự không minh bạch của một đại gia - Ảnh 2.

GS Lê Huy Bá. Ảnh: Lao động

Trong trường hợp này, chủ nguồn thải là Formosa nếu không phải tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng thì phải ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Việc xử lý chất thải rắn công nghiệp phải được thực hiện bởi công ty do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh cấp phép hoạt động.

Dù là chất thải sinh hoạt cũng vi phạm

Cùng trao đổi với chúng tôi, TS Trần Thế Loãn, nguyên phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, hiện tất cả phải chờ việc kiểm tra, phân tích đánh giá của các cơ quan chức năng của Bộ, Hà Tĩnh xem đây là các chất thải gì, có nguy hại hay không?

Tuy nhiên, về mặt xử lý, chôn lấp như vậy thì dù là chất thải sinh hoạt cũng vi phạm.

"Dù là chất thải sinh hoạt thì cũng phải xử lý theo đúng quy trình và phải được cấp phép. Bãi chôn cũng phải được quy hoạch, chứ không thể chôn tùy tiện như vậy được. 

Còn nếu xác định là chất thải rắn nguy hại thì việc xử lý phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, việc vận chuyển, xử lý đều phải được cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường", TS Loãn nhấn mạnh.

Còn GS Lê Huy Bá cũng khẳng định, việc chôn lấp một cách sơ sài như vậy là không thể chấp nhận được dù là chất thải gì thì cũng gây nguy hại cho môi trường.

Theo GS Bá, Formosa là một công ty lớn nhưng việc chôn lấp, xử lý chất thải như vậy thì "đây là sự không minh bạch rõ ràng".

"Một đại gia như Formosa thì lẽ ra việc xử lý chất thải phải làm gương, nhưng cách xả thải, chôn lấp vớ vẩn như thế thì rất nguy hiểm. Các cơ quan chức năng cần phải làm rõ và xử lý nghiêm", GS Bá nhấn mạnh.

Vị chuyên gia môi trường này cũng đề nghị, các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có sự quản lý, giám sát sát sao hơn, đặc biệt, trong việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cần phải làm rõ ràng, chính xác và công bố công khai, minh bạch.

Giáo sư Bá cũng thông tin, theo đánh giá, thống kê của các nhà khoa học, cơ quan chức năng thì để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ.

Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 m3 thậm chí là hơn nước thải độc hại. Ngoài ra là lượng bụi thải ra cũng rất lớn và nguy hiểm, có thể gây ra căn bệnh ung thư.

Đối chiếu với công bố về năng lực sản xuất của Formosa Hà Tĩnh là 15 triệu tấn thép/năm thì lượng chất thải, nước thải, bụi thải ra sẽ vô cùng lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại