Không còn lựa chọn khác
Mới đây, tổng thống Mỹ Donald Trump đã kí dự luật về Hong Kong giữa thời điểm nhạy cảm của thương chiến Mỹ - Trung.
Trong nhiều ngày qua, ông Trump rất ít khi đề cập tới vấn đề Hong Kong và nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh việc liệu ông Trump có quyết định kí vào dự luật này hay không. Tới cuối tuần trước, ông Trump vẫn chưa tỏ rõ thái độ khi nói rằng ông ủng hộ người biểu tình những cũng gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "một người bạn của tôi".
Theo New York Times, về dự luật lần này, ông Trump không còn lựa chọn nào khác bởi Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ đều thông qua với tỉ lệ ủng hộ cao. Kể cả khi ông Trump phủ quyết và không kí, dự luật vẫn sẽ được lưỡng viện ủng hộ một lần nữa và trở thành luật.
Dù đặt bút kí thông qua dự luật Hong Kong nhưng ông Trump vẫn tuyên bố rằng ông vẫn thể hiện sự tôn trọng với ông Tập và Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Financial Times
"Tôi kí các dự luật này vì sự tôn trọng với ông Tập, Trung Quốc và người dân Hong Kong. Tôi hi vọng những luật này sẽ giúp lãnh đạo và đại diện từ Trung Quốc và Hong Kong giải quyết những bất đồng và đem lại hòa bình, thịnh vượng lâu dài cho các bên," ông Trump nói.
Nhiều chuyên gia nhận định việc ông Trump kí dự luật Hong Kong vào thời điểm hiện tại sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều cố gắng không đề cập tới Hong Kong trong các cuộc thỏa thuận.
Mặc dù ông Trump tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" vào tháng trước, nhưng thời điểm kí thỏa thuận này vẫn chưa được công bố. Ông Trump tiếp tục không lên tiếng về việc liệu có gỡ thuế đối với 360 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hay không. Thời hạn 15/12 cũng sắp tới khi Mỹ sẽ tiếp tục áp thêm thuế đối với nhiều người nhập khẩu Trung Quốc hơn, bao gồm hàng hóa tiêu dùng như điện thoại thông minh và laptop.
Tính toán của ông Trump
Evan S. Medeiros - giáo sư tại Đại học Georgetown và từng là cố vấn cấp cao về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama - cho rằng ông Trump hành động như vậy bởi ông nghĩ rằng việc kí dự luật sẽ giúp tạo dựng hình ảnh cứng rắn trước cử tri mà không ảnh hưởng quá nhiều tới tiến trình đàm phán.
"Kí dự luật Hong Kong là một tín hiệu quan trọng giữa cuộc đối thoại thương mại, nhưng đây không phải là điều khó dự đoán bởi lưỡng viện đã ủng hộ một cách áp đảo. Câu hỏi thực sự đặt ra ở đây là ông Trump sẽ tận dụng tình hình mới như thế nào. Có thể động thái này sẽ được hiểu một cách rõ ràng nhất là thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung về mặt cơ bản đã hoàn thành," ông Medeiros nói.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio từ Floria nói: "Mỹ hiện tại đã có công cụ mới để hạn chế sự ảnh hưởng và can thiệp của Bắc Kinh đối với vấn đề Hong Kong."
Ông Trump đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc đồng ý với thỏa thuận thương mại để đem lại lợi ích cho nông dân và các công ty sản xuất Mỹ cũng như cho phép các công ty công nghệ hoạt động tự do và công bằng hơn tại Trung Quốc.
Việc thông qua thỏa thuận và hỗ trợ nông dân Mỹ là một trong những vấn đề then chốt trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ông Trump dường như đã gây ấn tượng rằng mọi vấn đề khác liên quan tới Trung Quốc đều không quan trọng bằng thỏa thuận thương mại.
Tháng 6 vừa qua, trong một cuộc điện đàm, ông Trump cam kết với ông Tập rằng ông sẽ không công khai ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong giữa lúc đàm phán thương mại đang diễn ra. Ông Trump có nhắc tới Hong Kong trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhưng cũng cùng lúc ca ngợi ông Tập trong cuộc họp hồi tháng 9.
Theo New York Times, Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong có thể dẫn tới việc Hong Kong nhận được ít lợi thế về thương mại với Mỹ hơn. Chính quyền Hong Kong đã gọi dự luật này là không cần thiết. Ngày 24/11 vừa qua, Hong Kong đã tổ chức bầu cử địa phương với phần thắng áp đảo thuộc về phe dân chủ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích việc ông Trump kí dự luật, cho rằng hành động này đã "can thiệp một cách nghiêm trọng vấn đề Hong Kong, can thiệp nghiêm trọng vấn đề nội bộ của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế".
"Chúng tôi nghiêm khắc tuyên bố với phía Mỹ rằng, Hồng Kông là Hồng Kông của Trung Quốc và các vấn đề Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Không có bất kỳ chính phủ hay thế lực nước ngoài nào có quyền can thiệp"
"Chính phủ Trung Quốc quyết tâm không nao núng chống lại bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông, quyết tâm không nao núng thực thi chính sách 'một quốc gia, hai chế độ' và quyết tâm không nao núng bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu trong thông cáo.